Phim “Nghìn năm Thăng Long”- Cần Cuộc Tiến Công Thần Tốc – TCPT số 31

Posted on Tháng Hai 22, 2010 bởi

1



Sau một loạt những tuyên bố rầm rộ lúc “ra quân”, những dự án phim “Nghìn năm Thăng Long” giờ rơi vào cảnh im hơi lặng tiếng và chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy cho kịp lời hứa với công chúng.

d
Rầm rộ ra quân

Công chúng Việt Nam, từ những người theo dõi sát sao các phương tiện thông tin đại chúng cho đến những người thờ ơ với đài báo, đều nhận ra một điều rằng: “Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long” sẽ là chủ đề cho rất nhiều những bộ phim hoành tráng trong năm 2010. Để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng ấy, các dự án đã được đệ trình, xét duyệt nhiều lần và chọn lựa trong nhiều năm.  Sau một loạt những chướng ngại thủ tục rườm rà và phức tạp tới mức nhiều dự án không đủ sức vượt qua, cuối cùng các phim thuộc dự án kỷ niệm nghìn năm Thăng Long cũng được lên danh sách. Trong đó gồm có “Thái Tổ Lý Công Uẩn”, “Người con của Rồng”, “Trần Thủ Độ”, “Vó ngựa trời Nam”, “Tây Sơn hào kiệt” và “Hà Thành Cầm giả ca”.

Thế nhưng,  khi đếm ngược thời gian, càng gần đến năm 2010, các dự án này cứ mất hút dần, để rồi cuối cùng chỉ còn thấy người ta nhắc đến hai bộ phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn” và “Trần Thủ Độ” của Hãng phim truyện Việt Nam. Dự án lớn nhất là “Thái Tổ Lý Công Uẩn” với vốn đầu tư dự kiến lên tới 200 tỉ đồng Việt Nam. Nhưng tiếc thay, dự kiến vẫn chỉ là dự kiến. Con số 200 tỉ VNĐ, tức là khoảng 12.000.000 USD, so với một bộ phim Holywood không phải là nhiều nhưng với một bộ phim Việt Nam thì đó là một con số chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Chính con sống ấy cũng gây ra biết bao tranh chấp. Ầm ĩ nhất là cuộc chạy đua giành chức danh đạo diễn. Hai ứng cử viên sáng giá nhất là ông Lưu Trọng Ninh và ông Đỗ Minh Tuấn, đã đua nhau hứa hẹn, tuyên bố hùng hồn trên báo chí. Cả hai bên đều vận dụng hết tiềm lực có thể và mọi phương cách vận động hành lang, để rồi kết cục là: tạm hoãn dự án vì kinh phí không đủ. Một điều mỉa mai nhất của dự án phim này, chắc rằng cũng chưa từng có trong những câu chuyện kỳ khôi nhất của điện ảnh thế giới, đó là, cho đến những giây phút cuối cùng của dự án, trên bàn duyệt của ban quản lý dự án vẫn chưa ký quyết định lựa chọn phương án nào cho 3 kịch bản được gửi đến.

s

Sau thất bại của dự án, “Thái Tổ Lý Công Uẩn” được thay thế bằng “Chiếu dời đô”. “Chiếu dời đô” vẫn tiếp tục kể câu chuyện đầu nhà Lý và sự kiện Lý Thái Tổ chọn thành Đại La làm kinh đô. Dự án phim lần này có vẻ “khả thi” hơn vì tính rõ ràng. Bộ phim do vốn đầu tư của tư nhân (trước là Hodafilm, sau là Công ty “Kỷ Nguyên mới”) với con số lên đến 60 tỉ VNĐ. Ông Lưu Trọng Ninh được chọn làm đạo diễn. Cả đoàn làm phim đã bỏ nhiều tháng sang trường quanh Hoành Điếm, Tượng Sơn để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ xảo 3D và nhờ chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Sau “cơn khát” Lý Công Uẩn khi dự án của Hãng phim Truyện Việt Nam bị “xếp xó”, khán giả nên chuẩn bị tinh thần cho một trận “bội thực” vị minh quân đầu triều Lý này. Ngoài “Chiếu dời đô” (Đạo diễn Lưu Trọng Ninh) còn có hai bộ phim truyền hình cùng đề tài đang chuẩn bị bấm máy là “Thái Tổ Lý Công Uẩn” (kịch bản Đinh Thiên Phúc) và “Huyền sử Thiên Đô” (kịch bản Nguyễn  Mạnh Tuấn). Bên cạnh các bộ phim truyền hình, miền Nam còn góp công vào kỷ niệm nghìn năm Thăng Long bằng một bộ phim tài liệu 120 tập có tên “Ngàn năm thương nhớ Thăng Long” (do TSF và BHD phối hợp). Sau khi đổ bể dự án “Thái Tổ Lý Công Uẩn”, hãng phim truyện Việt Nam chuyển hướng sang nhân vật Trần Thủ Độ. Bộ phim hiện đang quay ở trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc).

Trong khi các Hãng phim đua nhau làm phim lịch sử thì Đài Truyền hình Việt Nam lại khiêm tốn với những dự án thiết thực hơn. “Nhà Đài” kết hợp với Dolphin Media sản xuất bộ phim tài liệu “Ký sự Thăng Long” (104 tập), phác họa những nét đẹp, kể lại những câu chuyện có thật của đất Hà Thành. Ngoài ra, Trung tâm sản xuất phim truyền hình  Việt Nam (trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam) đang “bí mật” thực hiện một bộ phim truyện dự kiến 40 tập về một gia đình Hà Nội gốc đứng trước những thay đổi của thành phố thời kỳ toàn cầu hóa. Hiện ê-kip làm phim vẫn đang giữ kín thông tin về bộ phim đến phút lên sóng.

Kết thúc quy trình đếm ngược

Quy trình đếm ngược đến năm 2010 đã kết thúc, vậy mà vẫn chưa có bộ phim nào trong dự án được hoàn thành. Bộ phim tâm điểm “Chiếu Dời Đô” tới giờ còn chưa bấm máy. Nếu có thể khởi chiếu bộ phim trong năm 2010 thành công thì các đạo diễn lớn của Holywood và Trung Quốc phải đến tìm gặp ông Lưu Trọng Ninh để học hỏi kinh nghiệm. Xem ra, hy vọng chỉ còn biết đổ dồn vào  bộ phim truyền hình dài tập “Trần Thủ Độ” với số tiền đầu tư khả thi hơn: 51 tỉ VNĐ. Nhưng biết bao vấn đề nan giải đang cản trở tiến độ của ê- kip sản xuất.

Xin được kể sơ qua câu chuyện số phận long đong của bộ phim vị anh hùng dân tộc có công gây dựng triều đại của dòng họ Đông A. Biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn hoàn thành kịch bản vào năm 2004; nhưng đến năm 2006, dự án mới chọn được ông Phi Tiến Sơn cho vai trò đạo diễn. Bao nhiêu kinh phí, công sức đổ ra cho các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm tận Trung Quốc, Hàn Quốc; rồi xây dựng phim trường phục dựng Thăng Long thế kỷ 13 tại Đồng Mô bỗng chốc thành “ném tiền qua cửa sổ” khi Hãng phim truyện Việt Nam đột ngột mời đạo diễn Đào Duy Phúc thay thế vị trí của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Vậy là dự án đang thực thi vốn dĩ đã lề mề, nay lại bấm nút khởi động gần như từ đầu. Khi được hỏi về tiến độ của phim, nhà sản xuất của “Trần Thủ Độ” trả lời rằng bộ phim sẽ được làm theo kiểu cuốn chiếu, nghĩa là vừa quay vừa dựng, vừa dựng vừa phát sóng. Chỗ nào không thực hiện được sẽ sang thuê của Trung Quốc.  Chắc hẳn rằng, các bộ phim truyền hình lịch sử khác mừng “sinh nhật” Thủ Đô cũng sẽ được làm theo phương pháp này.

Tình trạng “Nước đến chân mới nhảy” đã trở thành truyền thống trong việc thực hiện các dự án phục vụ ngày lễ kỷ niệm ở nước ta. Còn nhớ bức tượng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được làm gấp gáp cho kịp ngày lễ quan trọng của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã bị sụp lở ngay sau đấy. Giới báo chí cũng không thể quên được chiếc bánh chưng khổng lồ được đưa vào guiness, dùng để cúng tế Trời Đất và “Cha Rồng, Mẹ Tiên”, khi hạ lễ bóc lớp vỏ xanh ra, chỉ là đống thịt ôi và gạo nếp chưa được nấu chín.

Với tình trạng và tiến độ của các dự án phim “kỷ niệm nghìn năm Thăng Long” như hiện nay, thật chẳng khác nào vua Hùng thách cưới bằng “voi chin ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Cần phải có một phép lạ mới có thể hoàn thành dự án  đúng với kế hoạch và tiêu chuẩn đã đề ra! Quan trọng hơn, công chúng sẽ luôn đặt một câu hỏi: Những bộ phim ấy có xứng đáng với số tiền khổng lồ được đầu tư hay không? Bức tượng kỷ niệm ở Điện Biên cũng là tiền dân, chiếc bánh chưng khổng lồ cũng là tiền dân. Trong khi vẫn còn nhiều đồng bào nghèo không có đủ cơm ăn áo mặc, phải vi phạm pháp luật để kiếm sống.  Trẻ em vùng sâu vùng xa vẫn còn thất học, người tàn tật vẫn chưa được hưởng phúc lợi xã hội. Vậy thì số tiền đầu tư ấy có khác nào con nhà nghèo vay tiền mua váy đẹp để khoe với hàng xóm.

Quốc Ân
© Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

Download tại đây:

Bản PDF – HD
Bản PDF – Standard
Bản PDF – Mini

Posted in: Nghệ thuật