Mùa xuân mới, hi vọng mới – TCPT số 43

Posted on Tháng Hai 22, 2011 bởi

4



Huỳnh Thục Vy

Năm Canh Dần đã qua đi cùng với những ngày cuối năm thật ảm đạm và lạnh giá. Mồng Một Tết năm Tân Mão, trời sáng trong và nắng ấm, gió nồm hây hẩy thổi. Trước ngoại cảnh tươi đẹp và căng tràn sức xuân ấy, lòng người cũng phấn chấn và hân hoan. Tôi ngồi trong căn phòng nhỏ và bề bộn, nhìn ra khung trời xanh trong và lộng gió, cảm nhận sâu sắc sự đổi thay của đất trời và một lần trẻ lại của nhân tâm trong những ngày đầu xuân. Thật vui thay– vui cho một lần thay áo mới của vũ trụ và vui cho những niềm hi vọng đang ấp ủ trong lòng người.

Nhưng Chủ tịch nước…lại buồn!

Năm nay, người dân quê tôi ăn Tết vui hơn và to hơn mọi năm. Những ngày này nhìn đâu cũng thấy hoa lá xanh tươi, người người mặt mày rạng rỡ du xuân và thăm hỏi nhau theo cái cung cách truyền thống của dân tộc. Trong những câu chuyện “trà dư tửu hậu” ấy, tôi được nghe mọi người bàn tán về lá thư chúc tết của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết năm nay có vẻ buồn. Các chú bác đều đồng ý với nhau rằng, có thể vì ông Nguyễn Minh Triết không được ở lại trong Bộ Chính trị khóa XI (cơ quan quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản Việt nam, và do đó cũng là trung tâm quyền lực của cả Việt Nam), và ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ để về ‘vui thú điền viên’ trong vài tháng tới nên giọng văn chúc Tết vừa qua có vẻ hơi…buồn!

Nghe xong – tôi chợt thầm nghĩ – ông là chủ tịch nước, tức là nguyên thủ quốc gia theo Hiến định, ở đỉnh cao quyền lực trong một thời gian khá lâu. Theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những ai quá 65 tuổi thì phải ra đi, để phù hợp với chủ trương “trẻ hóa” nội bộ lãnh đạo Đảng. Điều này đối với ông Nguyễn Minh Triết đâu phải ngoại lệ. Hơn nữa, ông là người lãnh đạo quốc gia (dù có đúng nghĩa hay không), thì ít nhất cũng phải biết vui cho cái vui của người dân, lo cho cái lo chung của dân tộc.

Gần chín mười triệu người dân Việt Nam đang đón một mùa xuân mới, theo truyền thống và luân lý cổ truyền, trong những ngày này dù cho ai đó có hoàn cảnh buồn riêng tư thì cũng tạm quên để cũng chia sẻ niềm vui với mọi người. Đó chính là phong thái đáng có của một nhà lãnh đạo, ít nhất là trong những ngày Tết. Thêm vào đó, dù ông có rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước thì con cháu, những thân hữu của ông vẫn tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý – có ai mất mát gì đâu?!

Vậy thì sao ông phải đọc lá thư chúc Tết ngắn hơn lệ thường với cái giọng buồn buồn ấy? Thiển nghĩ chắc phải có một nguyên nhân tiềm ẩn phía sau, nghiêm trọng hơn nhiều.

Khi nào ‘cách mạng hoa lài’ lan tới Á châu?

Từ những ngày đầu năm 2011, bạo động đã làm chấn động quốc gia Bắc Phi –Tunisia với những cuộc xuống đường chống chính phủ độc tài  Zine El Abidine Ben Ali. Hàng ngàn người dân nước này phẩn nộ do tình trạng thất nghiệp và giá lương thực tăng cao, mở đầu cho làn sóng chống chính phủ độc tài của nhiều quốc gia thuộc thế giới Ả Rập khác. Đó cũng biểu hiện cho sự bất bình của người dân dâng lên đến mức cao nhất đối với sự cai trị độc tài về chính trị và quản lý yếu kém về kinh tế của các chính quyền sở tại. Những cuộc phản kháng bắt đầu và thành công ở Tunisia đã buộc nhà độc tài Ben Ali và gia đình phải đi lưu vong.

Rồi cuộc ‘cách mạng hoa lài’ đã khởi nguồn cho một làn sóng đòi tự do dân chủ lan sang cả Ai Cập, Syria, Jordan, Yemen với “hiêu ứng domino”, đã làm cho cả một chính quyền độc tài cộng sản và lớn mạnh nhất thế giới như Trung Quốc cũng phải lo sợ và tìm cách đối phó. Trung Quốc ra lệnh các báo chí đưa thông tin bạo động mà không giải thích các lý do vì sao người dân nổi dậy, và khóa luôn cả các từ ‘Ai Cập’ hay ‘Tunisia’ trên Internet.

Cổ nhân có câu “đồng bệnh tương lân”, ông Triết lo buồn cũng có lý. Căn bệnh căm ghét tự do dân chủ, sợ phản kháng là căn bệnh chung của mọi nhà độc tài khắp thế giới. Chắc không chỉ riêng ông Triết lo cho tương lai của con cháu mình, mà những người cộng sản cũng hoang mang không kém cho cái tương lai không xác định của chế độ.

“Quan nhất thời, dân vạn đại” – những người lãnh đạo có thể thay nhau nắm quyền, lần lượt rời khỏi ghế quyền lực,…rồi cả một chế độ cũ có thể bị thay thế bằng một chế độ mới. Nhưng dân chúng mới chính là những người nuôi sống chính quyền. Người dân cuối cùng là những người sẽ phải chịu tai họa vì những hiểu biết có ‘giới hạn’ của nhà cầm quyền, và vì thế là những người chủ thực sự của quốc gia từ thời đại này đến thời đại khác. Ngàn đời sự thật này không thay đổi. Ông Nguyễn Minh Triết và những người cộng sản ngày hôm nay có lý do chính đáng để buồn vì tình hình quốc tế bất lợi cho họ, thì chúng ta – những “phó thường dân”, nhưng chính là những người sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai dân tộc – có lý do để hi vọng.

Mùa xuân là mùa của tình yêu thương và tuổi trẻ, của nhiêt huyết và hi vọng. Tôi thương dân tộc tôi – dân tộc anh hùng có hơn bốn ngàn năm văn hiến, đã và đang gò lưng nuôi cả một chế độ bất công… Mặt khác lại bị tước hết các quyền tự do được sống như những con người chân chính và có ý chí.

Trong tình yêu thương ấy, với nhiệt huyết trào dâng trong lòng một cô gái trẻ, tôi đang mơ một ngày cả nước Việt Nam từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, tất cả chúng ta – những người Việt Nam không phân biệt tuổi tác, nam nữ, tôn giáo… cùng xuống đường trong những khẩu hiệu chống độc tài, tham những, dành lại các quyền tự do dân chủ cho chính mình. Và rồi sẽ cùng nhau kiến tạo một Việt Nam với diện mạo mới…

H.T.V.
Tam Kỳ, ngày 9 tháng 2 năm 2011
T/g gửi cho PHÍA TRƯỚC

Bài viết là ý kiến riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của PHÍA TRƯỚC

—————

TCPT43 – Thanh niên & Đất nước
Download TCPT43 – Bản in – 10MB
Download TCPT43 – Bản thường – 4.0MB
Download
TCPT43 – Bản Mini – 2.1MB

Đọc thêm …

Posted in: Chính trị