Việt Nam chuẩn bị bầu cử Quốc hội Khóa 13

Posted on Tháng Tư 26, 2011 bởi

0



-Định Tường tổng hợp-

Ngày 22/05/2011 được ấn định là ngày bầu cử Quốc hội Việt Nam (QH) Khóa 13 với nhiệm kỳ 5 năm. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 12, 500 đại biểu sẽ được bầu vào Quốc hội Khóa 13, trong đó có 130 đại biểu Khóa 12 tái ứng cử.

Trong nhiều năm qua, Quốc hội tại Việt Nam bị đánh giá là không có tiếng nói độc lập. Trong đó có ý kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong cuộc phỏng vấn với Vietnamnet (VNN), ông đã cho rằng vì có đến hơn 90% đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản nên về nguyên tắc, nhiều vấn đề Quốc hội quyết những thực chất là Đảng Cộng sản quyết định.

Cũng trong một phát biểu với VNN, ông Tuyên, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Khóa 13 đã khẳng định rằng “tối đa 20% đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng”. Phát biểu này đã bị chỉ trích là hạn chế quyền tự do ứng cử của công dân theo Hiến pháp hiện hành.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức do Đảng Cộng sản kiểm soát có vai trò rất lớn trong cuộc bầu cử. Tổ chức này thực hiện các vòng được gọi “hiệp thương” để tuyển chọn các ứng viên theo cơ cấu đã định sẵn, và trong quá trình này, nhiều kết quả ứng viên bị loại không do sự quyết định của cử tri.

Quá trình “hiệp thương” bị từ lâu bị xem là sự tuyển lựa của Đảng Cộng sản nhưng mang danh nghĩa của MTTQ. Ông tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Tư pháp cho rằng cần phải bãi bỏ quá trình hiệp thương này để người dân được trực tiếp chọn ra đại biểu của họ, chứ không phải gián tiếp thông qua MTTQ.

Trong bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2010 được công bố ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng cuộc bầu cử Quộc hội năm 2007 và kể cả cuộc bầu cử sắp tới đây diễn ra không có tự do và công bằng, vì MTTQ kiểm soát chặt chẽ tất cả ứng cử viên. Trong khi đó người dân không thể dùng lá phiếu để thay đổi chính phủ theo nguyện vọng của họ giữa lúc tất cả phong trào đối lập đều bị nghiêm cấm.

Cũng với đánh giá tương tự, báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2010 tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Anh cho rằng Chính phủ Việt Nam không khoan dung cho sự bất đồng quan điểm hoặc việc phê phán vai trò của Đảng Cộng sản. Các đảng phái chính trị đối lập bị cho là bất hợp pháp và những người bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm về dân chủ đa đảng có nguy cơ bị bỏ tù.

Cũng có nhiều ý kiến trong đó có ông Trương Công Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBMTTQ cho rằng nên hạn chế các thành viên chính phủ tham gia vào Quốc hội. Nhưng ngày 15/4 tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do UBMTTQ tổ chức đã biểu quyết thông qua danh sách chính thức 182 ứng viên đại biểu Quốc hội Khóa 13 khối Trung ương. Trong danh sách ứng cử mới công bố có đến 16 thành viên chính phủ sẽ ứng cử khóa mới và 14 Ủy viên Bộ Chính trị, gồm cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong.

Việc các thành viên chính phủ vốn thuộc nhánh hành pháp giữ quá nhiều ghế trong Quốc hội đã khiến nhiều người ví von rằng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Đối với các nước khác, hình thức vận động bầu cử bằng Internet đã khá quen thuộc nhưng tại Việt Nam, điều đó dường như còn khá mới mẻ bởi nhiều ứng cử viên không biết có được phép hay không.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Minh Tuyên Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Quốc hội Khóa 13 cho rằng hiện luật pháp chưa quy định hình thức vận động trên mạng, nhưng nếu vận động trên mạng trung thực, khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật thì cũng là một hình thức thông tin và các ứng viên có thể áp dụng.

Góp ý kiến của bạn về cuộc bầu cử sắp tới tại đây.

Posted in: Chính trị