Ông già đạp xích lô và cô gái

Posted on Tháng Một 5, 2012 bởi

0



Bùi Nguyễn Quý Anh
TCPT số 11

Mẩu chuyện ngắn phảng phất nét hoài cổ, vương vấn những nét văn hóa cùa một thời xưa mà rất gần. Những chiếc xích lô và rất nhiều hình ảnh quen thuộc khác dường như ngày càng trôi xa trước tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của đất nước. Sự đổi thay về phương tiện vật chất… liệu có cuốn theo sự đổi thay của những tâm hồn?

Cô gái ấy đang cần gì nhỉ? Liệu cô ta có cần đi xích lô không? ông Tư khẽ lẩm bẩm. Bên tai ông là cái đài Trung Quốc cũ kỹ, đang phát chương trình thời sự. Từ khi Nhà nước có chỉ thị hạn chế xích lô thì cái đài lại càng trở nên thân thiết với ông. Nếu như ngày trước, ông chỉ dùng đến nó những khi nghỉ mệt hoặc chờ khách thì bây giờ ông còn dùng nó như một tấm mộc, dầu gì ông cũng gần sáu mươi lăm rồi.

“Cô ta trông bình thường, không có nét nước ngoài nào, thế thì cô ta chẳng cần đến mình đâu!” – ông tiếp tục quan sát. Nhờ ánh đèn đường khá sáng và khoảng cách cũng không xa lắm nên ông Tư có thể tin vào cặp mắt của mình. Bên cạnh đó, kinh nghiệm cho ông biết chỉ dân ngoại quốc mới thích lân la đầu đường cuối xóm thôi, còn chỗ cô gái và ông, ngay trước mặt là tòa nhà quốc hội trên đường Võ Thị Sáu, chưa kể dân ta thường khoái đổ về những khu sáng đèn, tấp nập. “Thế cô ta làm gì ở đây nhỉ? Nãy giờ cô ta đứng đó, nhìn quanh; biết đâu chừng…” Bất chợt cô gái nhìn về phía ông, như một phản xạ, ông vội ngó lơ ra ngoài đường và đẩy cái đài lên một chút cho sát tai, ra vẻ ta đây nãy giờ đang chăm chú nghe đài, nếu có nhìn cô thì cũng chỉ là vì cô đứng trong tầm nhìn của mình thôi.

Từ dòng xe đang chạy một chiếc Honda tấp vào chỗ cô gái đứng, và họ trao đổi gì đó với nhau. Ông Tư bất giác thở dài, rồi chậm chạp ngón trỏ của ông lần đẩy bánh xe tăng âm lên một chút, đài đã chuyển sang chương trình cải lương ưa thích của ông…

Giờ đây đất nước nhiều đổi mới, nên chuyện đi lại cũng phải khác trước. Phần lớn lượng xe giao thông trên đường là xe máy, vì thế nhà nước buộc phải thu gọn phạm vi hoạt động của giới xích lô lại. Có những con đường cấm hẳn, có những con đường chỉ được phép chạy trong một thời gian nhất định. Ngày nghe thông báo chỉ thị ấy trên đài và qua báo chí, ông và các đồng nghiệp hoang mang lắm. Người nhờ có chút để dành thì bàn chuyện mua xe máy Trung Quốc để chạy xe ôm. Ít hơn thì tính chuyện giải nghệ về quê hoặc ở nhà phụ vợ buôn bán lặt vặt. Số còn lại không được may mắn dư giả, mà lại tứ cố vô thân như ông thì buộc tiếp tục đeo nghề.

“Thôi, hạn chế chứ đâu cấm tiệt; coi như phân lại đặc thù làm ăn. Những ai trẻ, thích nhanh thì chọn xe ôm; phụ nữ, người lớn tuổi, cần an toàn thì chọn xích lô,” ông Tư đã nghĩ vậy. Song ông quên mất rằng người lớn tuổi, cẩn thận thì ít khi có việc phải ra đường vào ban trưa để ông có thể phục vụ. Còn ban chiều thì lại bị hạn chế địa bàn vì sợ tắc đường, khiến công việc của khách cũng bị ảnh hưởng. Tối đến họ đã có thể nhờ con cái, người nhà rồi. Ấy là chưa kể cũng vì miếng cơm manh áo nên cánh xe ôm thường “bao sân” luôn, và trên hết, một thực tế nghiệt ngã – ông đã lớn tuổi! Nhiều khi khách muốn đi nhưng thấy bộ dạng của ông họ đành từ chối. Dần dà ông đâm rút mình lại, không thiết tha chào mời nữa. Đa số khách tìm đến ông là những khách ngoại quốc hiếu kỳ. Khi đói quá, ông sẽ cố vời cho được một hai chuyến hòng kiếm cái gì bỏ bụng rồi thôi (mà lắm lúc ông cũng nhịn luôn).

“Chao, chín giờ hơn rồi song đây là lúc đường phố đang xướng dần lên cao trào giải trí của nó. Sao mình nhớ cái ngày xưa quá, bằng giờ này tuy không gọi là vắng lặng nhưng cũng đủ để những ai buộc phải ra đường khẽ chạnh lòng khi hầu hết mọi người đang quây quần xem ngài thanh tra phô diễn trí tuệ và lòng quả cảm của mình, hay ngậm ngùi cho thân phận của cô nô tỳ mang tên Isaura. Ở cái ngày xưa ấy, khái niệm ô nhiễm âm thanh và môi trường – cái thì chưa có, cái vẫn còn mờ nhạt, chỉ tiếng lào xào của những chiếc xe đạp bằng chân là nhiều cùng âm thanh loong coong trong trẻo đủ để nhận biết nhau, thi thoảng mới có một hai „giấc mơ‟ nhẹ lướt qua để lại ít vệt khói mỏng như tên gọi của nó vậy…

Một chiếc xích lô! Sao mình không… Mà ông già ấy đã nghỉ chưa? Mới thấy ông ta nhìn mình mà giờ đã chăm chú vô đài rồi. Hay ông ta cho rằng mình trẻ, không thích đi xích lô chăng?”

Xe không em? Về đâu vậy?

Dạ không anh. Em đi ông già xích lô kia.

Đi xe máy cho lẹ, anh chở đàng hoàng, an tâm. Mấy ông già chạy chậm mà yếu sức nữa.

Dạ không, cám ơn anh. Em thích đi chậm hơn.

“Cô ta lắc đầu! Chắc giá cao quá,” trong lòng ông Tư bỗng dậy lên cái khấp khởi khó tả, nhưng chợt nhớ lại cảnh hồi trưa bị một bà phốp pháp chê chạy chậm, lái yếu và khuyên nên nghỉ đi, thì nó nhanh chóng chùng xuống. “Thôi, hạ giá chút đi anh bạn.” Đoạn ông Tư khẽ nhắm mắt lại để nghe một câu ca dài hơi. Tiếng xe, tiếng còi ồn ĩ; đèn xe, đèn đường sáng chói…

Ông ơi, có chạy không?

Ông Tư giật mình mở mắt, cô gái đã đến đứng trước mũi xe từ lúc nào.

Có, có chứ cô. Đợi tôi cất vội cái đài đã – Nhanh chóng lấy bọc ny lông gói đài vào, ông tranh thủ hỏi: cô về đâu?

Cho cháu về Lê Văn Sỹ quận 3 nhé. Bao nhiêu vậy ông?

Cô cho xin 10 ngàn.

Dạ được.

Vừa kéo xe xuống cho cô gái ngồi lên ông vừa hỏi tiếp:

À, lúc nãy anh kia tính cô bao nhiêu?

Dạ, 7 ngàn thôi. Nhưng cháu thích đi xích lô hơn. Mà sao cháu không thấy ông mời khách?

Ừ, ừ… Tôi lúc ấy nghe cải lương, ca hay quá nên nghe rốt vậy.

Công ty cháu nằm sau khúc quanh kia, công việc cũng căng thẳng nên hôm nay quyết định để xe lại cơ quan, tính đi bộ về, rồi cháu thấy ông nên đổi ý để tìm lại những phút thong thả ngày xưa của loại xe này. Vậy mà cháu đợi hoài không thấy ông ra dấu gọi gì cả! Tưởng ông hết giờ chạy rồi chứ, song vẫn thử liều đến hỏi xem, hì. Nhiều bạn trẻ như cháu cũng vẫn còn thích xích lô lắm!

Vậy mà tôi đâu biết… – cú nhấn “đề pa” của ông Tư nghe nhẹ hơn hẳn so với mọi ngày. Cái ngày xưa “xích lô, xích lô” ấy lại hiện về, rõ như chưa từng bị thay đổi. Rồi ông thầm nghĩ, “chút nữa mình chỉ lấy đúng 7 ngàn thôi…”

© 2008 TCPT số 11

D

Download TCPT số 11