GDP Việt Nam đang hướng tới sự cân bằng?

Posted on Tháng Năm 15, 2012 bởi

0



Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Ben Bland, Financial Times

Mức tăng trưởng GDP giảm mạnh trong quý I đã làm cho giới quan sát cảm thấy khá mâu thuẫn.

Một mặt, điều này là bằng chứng cho thấy biện pháp thắt chặt tiền tệ của chính phủ đã phần nào thành công, giúp giảm mức lạm phát hàng năm xuống 14% trong tháng Ba từ đỉnh điểm 23% hồi tháng Tám năm 2011.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng bất ngờ tụt dốc, với mức tín dụng được áp dụng nghiêm ngặt đặc biệt trong xây dựng và sản xuất, đã làm cho một số nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng ở Việt Nam.

Hồi đầu tháng Tư, chính phủ đã công bố các số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, còn lại 4% trong quý đầu tiên năm 2012, từ mức 6,1% hồi cuối năm 2011.

Các chỉ số chính thức của chính phủ buộc Citi phải cắt giảm dự báo GDP trong năm nay từ 6% xuống 5%, và cho năm tới từ 6,3% xuống còn 5,6%.

Johanna Chua, một kinh tế gia của Citi tại Hồng Kông, đã cảnh báo khách hàng trong một ghi chú rằng:   

“Môi trường khó khăn trong ngành xây dựng và tăng trưởng chậm lại đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, và điều này sẽ [tăng] gánh nặng tái cấp vốn đối với chính phủ”.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu, từ phía nhà nước đầu tư thiếu hiệu quả cho đến nợ nần trong lĩnh vực ngân hàng, và đây không phải là loại tăng trưởng sẽ làm cho các nhà đầu tư cảm thấy phấn khởi. Đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế của khu vực đang hoạt động tương đối tốt, ví dụ, mức tăng trưởng của Indonesia là 6,5% – tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Tuy nhiên, sau năm năm đầy biến động, trong đó Việt Nam đã trải qua hai chu kỳ khủng hoảng kinh tế, một số nhà kinh tế tin rằng sự ổn định là tối quan trọng để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy niềm tin vào tiền đồng của Việt Nam.

Trinh Nguyễn, một kinh tế gia làm việc cho ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, đã lưu ý khách hàng rằng, “trong khi tăng trưởng đã chậm lại, nhu cầu đầu tư sụt giảm đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát cũng như cải thiện thâm hụt thương mại”.

“Động cơ tăng trưởng có thể hoạt động chậm lại so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn là 7% trong năm 2012, nhưng điều này sẽ giúp tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn”.

Dưới áp lực phải đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế như là một phương tiện để củng cố tính hợp pháp chính trị cũng như tạo ra tăng trưởng trong mức thu nhập cho người dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây lo ngại khi họ nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.

Tuy nhiên, sau khi các số liệu quý trong đầu tiên cho thấy mức tăng trưởng đã chậm lại, Matt Hildebrandt, một kinh tế gia làm việc cho JP Morgan ở khu vực Đông Nam Á, lại tin rằng hiện nay nguy cơ lớn hơn là chính phủ đã không kích thích nền kinh tế đủ sớm.

“Việc thu dọn sạch sẽ những vấn đề nợ nần trong lĩnh vực ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu nền kinh tế đang trì hoãn”, ông nói thêm. “Chúng ta cần phải nhìn vào bức tranh lớn hơn. Chúng ta không muốn mức tăng trưởng ngừng lại trong bế tắc, cho nên trong một thời điểm nào đó thì chúng ta muốn họ [chính phủ] thay đổi chính sách và kích thích nền kinh tế”.

© 2012 Bản tiếng Việt TCPT

Posted in: Kinh tế