Tê giác trước nguy cơ tuyệt chủng: Nạn săn trộm tràn lan

Posted on Tháng Năm 22, 2012 bởi

0



Miên Thy chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Nguồn: The Economist
 

Việc buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp đang đặt loài động vật này vào nguy cơ tuyệt chủng.

Năm trước, có 438 con tê giác – trong đó gần như tất cả đều thuộc loài tê giác trắng (còn được biết đến với tên tê giác mõm vuông Ceratotherium simum), đã bị giết chết bất hợp pháp ở Nam Phi và sừng của chúng thường bị chặt trong lúc chúng còn sống. Trước năm 2008, con số đó chỉ là 15 con. Năm nay, hơn 200 con đã bị săn trộm, tính trung bình là khoảng 50 con mỗi tháng, dự đoán sẽ đưa tổng số này lên 600 con trong năm 2012. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục đến thì đến năm 2016, tê giác bị săn trộm sẽ nhiều hơn so với số lượng được sinh ra, làm giảm số lượng tê giác trên thế giới và không thể nào đảo ngược lại được. Hiện nay có khoảng 20,000 tê giác trắng còn sống sót trên thế giới đang sống ở Nam Phi.

“Không là một sự cường điệu khi nói rằng tất cả các loài tê giác trên hành tinh hiện nay đang bị nguy hiểm trầm trọng”, ông Lawrence Anthony, một nhà bảo tồn thiên nhiên người Nam Phi đã viết như vậy. “Trừ khi thay đổi một điều gì đó cơ bản một cách nhanh chóng, nếu không thì đến con tê giác cuối cùng trên thế giới cũng sẽ bị giết chết”.

Trong một thời gian dài, người dân Đông Nam Á cho rằng sừng tê giác có thể dùng làm thuốc tăng cường sinh lực. Gần đây thì sừng tê giác được đồn thổi có thể chữa bệnh ung thư. Với sự tăng trưởng kinh tế không đi cùng với trí tuệ của người Trung Quốc và Việt Nam thì nhu cầu sử dụng sừng tê giác dường như không thể đáp ứng đủ. Sừng tê giác gần là một loại tóc ngưng kết, tương tự như móng tay, và không có giá trị dược lý. Tuy nhiên, giá bán của chúng đã tăng lên trên 60,000 USD một kilo, còn nhiều hơn so với một kilo cocaine hoặc vàng, và điều này đã từng được chứng minh.

Năm 1976, việc buôn bán sừng tê giác trên toàn cầu đã bị cấm theo Công ước Thương mại Quốc tế về Các Loài Vật có Nguy Cơ Tuyệt Chủng (Convention on International Trade in Endangered Species – CITES). Việc buôn bán chuyển qua thị trường chợ đen, đẩy giá lên cao và các nhóm tội phạm quốc tế sẵn sàng săn bắn chúng bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy – kể cả trong khu bảo tồn thú hoang, trong các viện bảo tàng, hay thậm chí chỉ là đồ vật trưng bày trong nhà riêng.

Vào giữa thập niên 1990, 90% số tê giác trên thế giới đã biến mất so với số lượng 25 năm trước đó. Tất cả năm loài tê giác (trong đó có ba loài ở châu Á) đã tuyên bố có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng. Riêng tại Nam Phi, phương pháp  an ninh và bảo tồn đã giúp gia tăng số lượng tê giác ở nước này. Trong bốn năm qua, chính phủ nước này đã thông qua một loạt các biện pháp cứng rắn hơn nhằm chống lại các hoạt động săn trộm, gửi binh lính có vũ khí với các thiết bị công nghệ cao và mới nhất để giúp những nhân viên bảo vệ rừng và áp đặt bản án nặng đối với những kẻ săn trộm khi bị bắt. Gần đây đã có ba người bị bắt và phạt mỗi người 25 năm tù giam. Nhưng rõ ràng đối với các tay săn trộm, lợi nhuận vẫn khiến họ bất chấp những rủi ro họ đối mặt.

© Bản tiếng Việt TCPT 2012

Posted in: Chính trị