Truyện ngắn "Chảy đi sông ơi" nhìn từ cảm quan hiện đại

Posted on Tháng Mười 7, 2011 bởi

0



Linh Sơn
TCPT số 49

Chảy đi sông ơi – tiêu đề của truyện ngắn không phải là một danh từ để định danh cho một sự vật, một tình huống, một hiện tượng…(như thông thường) mà nó là tiếng gọi đầy thôi thúc được cấu trúc từ một ý niệm mang tính biểu tượng. Hằng tính của dòng sông là luôn chảy – dĩ nhiên rồi – và do đó người đọc không thể đem tư duy phản ánh luận để hiểu nghĩa hiện thực một cách thật thà, để rồi chiết tự chữ nghĩa, công thức hình tượng suy ra thông điệp. Nguyễn Huy Thiệp là một trong rất hiếm những nhà văn Việt Nam đương đại buộc người ta phải từ bỏ hết lối mòn đọc truyện ngắn kiểu kinh điển  từ đầu thế kỉ XX trở về trước để đi đến một tâm thế tiếp nhận mới. Ta tạm gọi nó là cảm quan hiện đại (điều này mới đối với phần đông độc giả Việt Nam, còn ở Châu Âu và Mĩ La tinh cũng như Bắc Mĩ thì họ đã đi trước ta cả thế kỉ).

1. Về truyện ngắn Chảy đi sông ơi

Truyện ngắn được cấu trúc bằng lời kể của nhân vật xưng tôi: Có thể chia thành 2 phần. Phần thứ nhất là mảng kí ức của tuổi thơ của nhân vật ở nông thôn gắn liền với huyền thoại con trâu đen. Phần thứ 2, hai mươi năm sau, nhân vật tôi từ thành phố trở về quê cũ và nhận ra một hiện thực phũ phàng làm tâm hồn nhân vật xót xa, chới với.

Nhân vật chính, thuở nhỏ là một cậu bé hiếu kì, bị mê hoặc bởi huyền thoại con trâu đen trên dòng sông quê hương. “Nó thường xuất hiện vào lúc nửa đêm. Nó ở dưới đáy lòng sông lao lên mặt nước. Toàn thân bóng nhãy, đôi sừng vút cao, mõm thở phì phì, con trâu phi trên mặt nước như phi trên cạn. Con trâu phì bọt, nước dãi của nó tựa như trứng cá. Nếu ai may mắn hớp được bọt ấy sẽ có sức lực phi thường, bơi lặn dưới nước giỏi như tôm cá”. Và cậu bé đã quyết tâm đi tìm. Cậu xin theo thuyền đánh cá mòi vào ban đêm của trùm Thịnh. Hắn bảo với cậu bé là không có con trâu thần nào cả. “Tao đã đánh cá trên khúc sông này sáu chục năm trời. Tao thuộc từng luồng lạch một… Chuyện con trâu đen chỉ là chuyện đồn nhảm nhí…Mày hãy tin tao, ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen là giả”. Và khi người ta mê mẩn đuổi theo luồng cá, đã bỏ mặc cậu bé rơi xuống dòng sông. Không có con trâu thần nào cứu giúp, cậu bé tỉnh lại trên con đò ngang, với bát cháo cá nóng của chị Thắm. Chính chị đã cứu cậu bé, rồi chị khẳng định: “Trâu đen là có thực! Nó ở dưới nước. Khi nó lên bờ là nó mang cho ta sức mạnh…Nhưng nhìn thấy nó, được nó ban điều kì diệu phải là người tốt”. Cậu bé tin lời chị. “Lòng vẫn ấp ủ được trông thấy điều kì diệu ấy”.

Rồi cậu bé theo gia đình chuyển nhà lên thành phố, xa quê hương, xa chị Thắm. “Tôi lớn lên hăm hở đuổi theo bao điều phù du…Cuộc sống trưởng giả, no đủ bao bọc lấy tôi, có lẽ tôi cũng chẳng có gì phàn nàn về cuộc sống. Ước mơ tuổi trẻ nhường chỗ cho bao nhu cầu thiết thực”. Hai mươi năm sau, cậu bé ngày nào đã trở thành người đàn ông trải đời, đầy đủ gia đình sự nghiệp tìm về quê hương. Để rồi con người ấy đau đớn biết tin chị Thắm đã chết cách đây 20 năm, chị chết đuối. Chị Thắm đã cứu được không biết bao nhiêu người trên khúc sông này nhưng cuối cùng đã chết đuối không ai cứu.

Câu truyện kết thúc bằng những dòng văn thổn thức, được diễn đạt bằng một lối ngôn ngữ văn xuôi mà giàu chất thơ tuyệt hay:

Bên sông vẳng lại tiếng hát thuở nào tê tái:

Chảy đi sông ơi,

                  Băn khoăn làm gì?

                  Rồi sông đãi hết

                  Anh hùng còn chi?…

         Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?

         Bên sông có tiếng ai gọi đến là ráo riết:

–     Đò ơi…ơi đò! Đò ơi! Ơi đò”!

2. Những gì của quá khứ sẽ quay về cứu rỗi thực tại?

Đây là một cách hiểu có vẻ rất văn chương. Nhưng dựa vào những gì tôi biết về tạng người Nguyễn Huy Thiệp khi đọc truyện ngắn và các bài tiểu luận của ông xem ra nó không hợp lắm. Bài viết này là một sự đối thoại mở thêm một hướng tiếp cận khác với luận điểm trên như một số người đã khẳng định.

Truyện ngắn Chảy đi sông ơi đã chạm đến một trong những vấn đề cốt tủy của đời sống tâm linh con người mọi thời đại, trong bất kì nền văn hóa nào: Tư duy huyền thoại. Đến thế kỉ XX, Tư duy huyền thoại sơ khai thời ấu nhi của loài người đã có một bước chuyển hóa tinh tế vào thi pháp văn học hiện đại để hình thành cái gọi là thủ pháp huyền thoại hóa mà Markez là một đại biểu xuất sắc vận dụng thành công thủ pháp này. Chảy đi sông ơi cũng là một truyện ngắn viết theo lối huyền thoại hóa, dựng lại huyền thoại, tái sinh nó trong thời đại mới, nhưng không phải để lập đàn sùng bái nó mà làm mất đi tính thiêng của huyền thoại, cấu trúc lại nó, đặt huyền thoại vào đời sống con người hôm nay với một diện mạo, một tư thế hoàn toàn khác với trước đó. Khuynh hướng này được gọi là giải thiêng huyền thoại.

Tâm linh là một trong những phạm trù lớn nhất của văn hóa nhân loại. Nó vừa là tôn giáo, nhưng nó vượt lên trên bất kì một tôn giáo cụ thể nào, cho nên cả những người vô thần chủ nghĩa vẫn có đời sống tâm linh. Do đó nó rộng hơn tôn giáo và tín ngưỡng. Huyền thoại là một mảng nhỏ của đời sống tâm linh con người ở dạng vô thức tập thể. Phải hiểu như thế để không phải vu oan cho Nguyễn Huy Thiệp hay các nhà văn viết theo lối huyền thoại hóa, giải thiêng huyền thoại không có nghĩa là phủ nhận tâm linh.

Tất cả các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều hình thành một hệ thống những câu truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết thời xa xưa từ tư duy dân gian. Biểu hiện của nó thì có muôn hình vạn trạng, riêng ở Việt Nam ta có thể khái quát lại là chúng đều hướng đến nhận thức thế giới thần linh, thế giới siêu hình như một lực lượng thường hằng làm bệ đỡ cho công lý. Rằng những người lương thiện, hiền lành như anh Khoai, cô Tấm rồi sẽ được hưởng hạnh phúc. Bởi các thế lực siêu nhiên như thần, bụt (phật) sẽ giúp đỡ những người bất hạnh, yếu đuối, lương thiện. Từ đó ta có thể rút ra những thông điệp như luật nhân quả, sống ác ắt gặp ác, người hiền sẽ được hưởng hạnh phúc…Và những điều này xuất phát từ tư duy dân gian mang tính duy tâm. Tư duy huyền thoại của văn hóa dân gian nói chung được hình thành từ vô thức tập thể trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Nó nói lên cái khát vọng công lý của con người, đã là khát vọng thì luôn được đẩy lên sự hoàn hảo. Bởi thế kết cục trong những câu truyện cổ tích bao giờ cũng có hậu. Kẻ ác như mẹ con Cám, Lý Thông, Thạch Sùng, gia đình phú ông (trong truyện cây tre trăm đốt)…rồi sẽ gặp báo ứng, bị trừng phạt đích đáng. Người bất hạnh, hiền lành như Tấm, Thạch Sanh, Khoai rồi sẽ có phép màu của các bậc siêu nhiên phù trợ….Tất cả những điều này nó hình thành nên một thành trì trong đời sống tâm linh của người Việt, là một điểm tựa cho lòng tin son sắt và khát vọng cầu toàn vào công lý, để khuyên người ta sống cho hiền lành, nhân hậu, lánh xa cái ác.

Chúng ta không bàn luận đến vấn đề có hay không các thế lực siêu nhiên, không nên lấy tư duy vô thần ra để cho rằng những điều này là mê tín dị đoan. Chúng ta cũng không cần bàn cãi xem những điều trên vốn đã ăn sâu trong tâm thức dân gian người Việt bao đời nay là đúng hay sai. Tôi tin rằng dù thời đại có trở nên tân tiến, văn minh bao nhiêu thì bài học về cách ứng xử của Khổng Tử với các thế lực siêu hình như quỷ, thần vẫn còn giá trị. Bởi tất cả những điều ấy đã mặc nhiện được thừa nhận từ trong vô thức cộng đồng và nó có ý nghĩa rất nhân văn trong việc hướng thiện con người. Nó là một bộ phận tinh hoa của văn hóa người Việt.

Những câu truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết được phôi thai và thụ sinh từ buổi ấu nhi của nhân loại, khi nhận thức luận về khoa học và vũ trụ còn sơ khai. Điều đó cũng tương đồng với một đặc tính có trong mọi thời đại, đó là những câu truyện ấy cũng gắn liền với tuổi thơ của mỗi con người. Ai cũng hiểu truyện cổ tích phù hợp nhất, có tác dụng giáo dục hay nhất đối với trẻ con…Và, giá như tất cả những người trưởng thành trên thế giới này đều tin những huyền thoại ấy với một tâm hồn trong sáng, ngây thơ như trẻ con nghe truyện cổ tích thì cuộc sống này sẽ trở nên tươi đẹp và hiền hòa biết bao. Sự thật cay nghiệt của cuộc sống này đâu phải lúc nào cũng êm đềm và “cải lương” như truyện cổ tích. Khi cái ác lên ngôi, và người hiền lành lương thiện không được báo đáp, chúng ta có đủ dũng khí để mà sống tiếp không? Đó là vấn đề mà cuộc sống thực tế luôn đặt ra, nó vượt qua khỏi giấc mơ ngọt ngào của những câu truyện cổ tích. Chảy đi sông ơi chính là sự thôi thúc ta đi tìm câu trả lời sắc lạnh cho điều đó.

Một câu bé từ nhỏ đã bị mê hoặc bởi huyền thoại nhiệm màu về con trâu đen. Con trâu có phép nhiệm màu ban sức mạnh thần kì cho con người. Và như lời chị Thắm nói, những người tốt sẽ được gặp con trâu kì diệu ấy. Thế rồi cậu bé đã quyết tâm theo đuổi, tìm kiếm. Nhưng kết quả thì sao? Giấc mộng ngọt ngào ấy đã không thể đến với một cậu bé đang sống trong cuộc đời trần tục, phũ phàng này. Người ta mải mê tranh giành luồng cá mà bỏ mặc cậu rơi xuống sông, suýt chết đuối nếu như không có chị Thắm cứu giúp. Huyền thoại là đâu? Con trâu thần nơi đâu? Phép màu nơi đâu? Lúc này lời nói của trùm Thịnh quả là không sai: “Chuyện con trâu đen chỉ là chuyện đồn nhảm nhí…Mày hãy tin tao, ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen là giả”. Nhưng chị Thắm đã lấy lại lòng tin cho cậu bé. Con trâu thần nơi đâu? Phép màu là đâu? Hay chính tấm lòng nhân hậu của chị Thắm là phép màu kì diệu.

Suốt quãng đời tuổi thơ sau đó của cậu bé ấy cũng chưa một lần nào được nhìn thấy con trâu đen. Nhưng niềm tin về nó vẫn cứ phảng phất mơ hồ như nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn cậu trưởng thành. Để rồi một ngày nọ không còn bé con nữa, cậu mới nhận ra một hiện thực xé lòng. Chị Thắm hiền lành như thế, nhân hậu như thế, đã cứu sống bao nhiêu người trên dòng sông mà cuối cùng lại chết đuối mà không ai cứu. Trâu thần ở đâu? Phép màu ở đâu? Sự công bằng nơi đâu? Hay trời cao không có mắt? Huyền thoại là không có thực?

Chảy đi sông ơi! Một tiếng gọi thiết tha của một tâm hồn đầy trải nghiệm. Đấy là dòng sông hay dòng đời? Chúng ta không thể cầu toàn cuộc sống đẹp như giấc mơ cổ tích cũng như không thể làm cho dòng sông ngừng chảy. Chảy đi sông ơi hay đó chính là sự phản tỉnh của một tâm hồn vừa thức dậy từ giấc mơ mầu nhiệm không thực. Tiếng lòng ấy vừa cay đắng, vừa oán trách nhưng anh ta tỉnh táo, sắc lạnh nhận ra cuộc đời này vốn là như thế. Hãy nuôi giữ trong lòng những huyền thoại ngọt ngào để có thêm niềm tin mà sống tốt. Nhưng đừng bao giờ ngây thơ như đứa trẻ phú dựng trọn vẹn linh hồn mình cho những phép màu trong huyền thoại mơ hồ. Bởi sẽ có lúc anh phải chết đuối giữa dòng đời cay nghiệt.

Nguyễn Huy Thiệp đã dội một gáo nước lạnh vào cái giấc mộng đẹp vốn cứ chấp chới trong vô thức chúng ta để đánh lung lay niềm tin sơ khai ấy. Để rồi chúng ta sực tỉnh, như một con người siêu nhiên theo tinh thần của Nietzche vừa mới hạ gục và dứt bỏ một hoài niệm cũ kĩ, chúng ta sẽ sống tỉnh táo hơn. Cuộc đời không phải giấc mơ cổ tích mà vốn đầy sóng gió bất công oan nghiệt như sông kia vẫn chảy vĩnh hằng! Đó là một sự thách thức: Khi cuộc đời này không có huyền thoại, khi tâm hồn không còn một điểm tựa để bấu víu, phú dưng, anh có đủ dũng khí chấp nhận và tiếp tục sống hay không?

3. Kết luận

Truyện ngắn này là sự cấu trúc lại tâm thức văn hóa truyền thống vốn mặc định từ lâu của người Việt Nam ta. Nó mơ hồ, có vẻ như siêu hình nhưng có rất nhiều cơ sở thực tế để liên hệ giá trị thực tiễn của nó. Cá nhân tôi thì chợt giật mình tự hỏi: chúng ta đã bao lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh, ba lần đánh bại quân Nguyên Mông, lần lượt chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ nhất hoàn cầu, nhưng… đấy có phải là huyền thoại? Chúng ta từng tin rằng đó là những huyền thoại có thực, không gì có thể chối cãi. Chúng ta đã làm nên huyền thoại, và chúng ta có quyền tự hào. Nhưng đừng quá say mê trong hào quang của kẻ chiến thắng như đứa trẻ con hoang tưởng trong giấc mơ cổ tích để rồi tỉnh giấc nhận ra mình tục hậu tệ hại. Tôi đã thấy dấu hiệu đó trên đất nước ta. Có lắm kẻ hoang tưởng làm phép tam đoạn luận: Mĩ là đế quốc mạnh nhất. Ta thắng Mĩ. Đó là một huyền thoại của thế kỉ XX. Vậy điều gì mà ta làm không được?. Nếu cứ hoang tưởng về huyền thoại, về những gì là quá khứ sẽ cứu rỗi hôm nay mà chủ quan, lười nhác, không biết thay đổi chính mình thì nguy cơ trước mắt sẽ là sự thất bại thảm hại. Ảo tưởng về hào quang của quá khứ và sức ì của tư duy truyền thống chính là một trong những vấn đề nhức nhối cho sự phát triển của Việt Nam hôm nay. Đã gần 30 năm, truyện ngắn này vẫn rất giàu ý nghĩa thời sự.

L.S.
© 2011 TCPT số 49

         TCPT49 – Thương hiệu Việt Nam
Download TCPT49 – Bản HD
Download TCPT49 – Bản Standard
Download TCPT49 – Bản Mini