Tri thức dân gian về việc đoán định thời tiết của người Mông ở Lai Châu

Posted on Tháng Năm 18, 2012 bởi

0



Tiểu Phong
CTV Phía Trước 

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Mông ở Lai Châu có 83.324 người, chiếm 22,5% dân số tỉnh Lai Châu và chiếm 7,8% tổng số người Mông ở Việt Nam. Địa bàn cư trú của người Mông chủ yếu trên những sơn nguyên có độ cao từ 1000 đến hơn 2000 mét so với mực nước biển, các hiện tượng cực đoan của thời tiết như mưa đá, sương muối, lốc xoáy, lũ quét… cùng các vấn đề thiếu nước, độ dốc lớn, địa hình chia cắt dữ dội… là những lực cản lớn cho phát triển.

Sống trong môi trường không thuận lợi ấy, người Mông ở Lai Châu đã hình thành một số kinh nghiệm đoán định thời tiết tương đối chính xác qua các hiện tượng tự nhiên để đảm bảo tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Giao thông cổ truyền vùng người Mông

Chẳng hạn, khi nghe con chim ia pó lầu lông màu khoang sáo hót là báo hiệu mùa làm đất trồng ngô đã đến (tháng 2). Còn con chim plâu sía hót là báo hiệu mùa làm đất lúa. Con chim pò cư (chim cu) hoặc con ka xìa nịa (con xát xén) gần giống như con ve sầu hót cả ngày cả đêm hay hoa pan trà (hoa gạo) nở, mọi người đều biết ngay đó là mùa tra ngô (từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4). Khi con ká chế plê (sâu xé) trông nhỏ hơn con xát xén có màu nâu đậm kêu hoặc cây hoa pa cùa đì plê tờ nở là báo hiệu mùa gieo lúa (cuối tháng 4 đến đầu tháng 5). Con ká trồng tu (ve đen) kêu là biết mùa làm cỏ (cuối tháng 5 đầu tháng 6). Đến tháng 8, nghe tiếng con káng cầu vìa (ve sầu) kêu hay cây tau trừ (bông lau) bắt đầu ra bông là đã đến mùa thu hoạch lúa sớm và ngô và phải đi làm nương đậu tương ngay, nếu không sẽ mất mùa đậu tương.

Người Mông ở Lai Châu còn có thể biết được năm nào được mùa, năm nào mất mùa bằng cách nhìn vào hoa và quả của cây đào mèo và chây chay ở trong rừng. Nếu như những cây ấy nở nhiều hoa nhưng cho ít quả thì năm đó sẽ là năm được mùa; còn nếu đậu quả nhiều thì làm ăn khó khăn hơn.

Người Mông ở Sìn Hồ tin rằng trận mưa đầu tiên trong năm mà có tiếng sấm vào khoảng 4 – 5 giờ chiều thì năm đó sẽ là năm được mùa (sấm về muộn vì mang nặng nông sản). Sấm kêu lúc 6 – 8 giờ tối thì năm đó làm ăn không tốt (vì trục trặc nên sấm mới về muộn). Sấm kêu lúc 3 giờ (sáng hoặc chiều) thì không được tốt vì sấm mang ít nông sản nên về sớm. Nếu sấm kêu vào lúc 12 giờ (trưa hoặc đêm) thì năm đó sẽ mất mùa.

Người Mông ở Dào San (Phong Thổ) chỉ cần biết được hướng gió thổi là cũng có thể đoán định được thời tiết. Nếu gió thổi từ nam sang bắc là biết ngay trời sẽ nắng và ngược lại, gió thổi từ bắc sang nam thì trời sẽ mưa. Người Mông nơi đây muốn xem mưa ít hay mưa nhiều, đồng bào dùng cân tiểu ly cân một bên nước mới lấy 1 giờ sáng mùng 1 Tết cổ truyền (tháng 12 Dương lịch) và một bên là nước lấy của năm cũ. Nếu nước mới nặng hơn thì năm đó sẽ mưa nhiều và ngược lại. Nếu muốn biết chính xác hơn, người ta vào rừng chặt một đoạn tre hoặc một cây giang có 12 gióng đều nhau và mỗi gióng khoét một lỗ. Mỗi gióng tre tượng trưng cho tháng trong năm, mỗi gióng đều được bỏ vào đó vài hạt đậu tương rồi đem cả đoạn tre ấy để ra phía ngoài trước cửa ra vào một đêm. Sáng hôm sau họ sẽ chẻ dọc đoạn tre từ gốc đến ngọn. Đoạn gốc được tính là tháng đầu tiên và đoạn ngọn được tính là tháng cuối cùng trong năm. Nếu ở gióng nào mà hạt đậu tương nảy mầm thì thang đó sẽ mưa rất to. Gióng nào mà hạt đậu chỉ tróc vỏ ngoài thì tháng đó có mưa vừa. Gióng nào có hạt đậu chỉ ướt vỏ thì tháng đó mưa không đáng kể. Gióng nào có hạt đậu bị úng thối thì tháng đó mưa liên tục, không có ngày nắng. Đặc biệt, nếu gióng thứ 7 (tháng 7) mà hạt đậu khô thì năm đó là năm hạn hán, còn hạt đậu mà tróc vỏ thì năm đó sẽ là năm được mùa. Nếu ở gióng thứ 7 và 8, hạt đậu nở phồng ra thì các tháng trong năm đó sẽ có mưa rất lớn, khả năng có gió bão và mưa đá, cần phải đi gieo trồng sớm để tránh mất mùa.

Người Mông ở hầu khắp các địa bàn cơ sở của tỉnh Lai Châu đều đoán định việc nắng mưa theo ngày. Mỗi ngày đều được gắn với tên một con vật và căn cứ vào một số đặc tính của con vật mà người ta biết ngày mang tên con vật ấy nắng hay mưa. Thường các ngày chuột, hổ, gà, mèo là những ngày nắng; những ngày rồng, lợn là những ngày mưa; còn ngày con rắn là ngày nắng mưa thất thường.

Tính thượng võ trong điệu múa khèn ngày hội Gầu Tào

Ngoài ra, khi nghe con chim cú mèo (plà) kêu vào chập tối hoặc buổi sáng thì biết đó là sắp mưa; kêu nhiều là mưa to, kêu ít là mưa nhỏ. Con chim Jú lú chú lú là con chim đuôi dài, màu xanh, má vàng vừa bay vừa kêu là trời mưa to; nếu đứng một chỗ mà kêu là trời mưa nhỏ hoặc trời râm và nếu nó kêu như tiếng người cười thì trời sẽ nắng rất to. Trời đang nắng mà có ếch kêu là trời sẽ mưa. Ngược lại, trời đang mưa mà ve sầu kêu thì trời sẽ nắng. Người Mông, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ thường đeo vòng bạc hoặc gắn những đồng bạc trắng trên trang phục. Nhìn vào những đồng bạc ấy, nếu thấy màu sẫm thì trời sẽ mưa; nếu bạc cứ sáng trắng lên thì trời sẽ nắng. Tương tự, nhìn vào đồng tiền đồng nếu thấy mầu vàng sẫm là trời sẽ mưa; còn nếu thấy màu vàng tươi thì trời sẽ nắng.

Những tri thức dân gian của người Mông ở Lai Châu chứa đựng những kinh nghiệm được chắt lọc qua nhiều đời góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa Mông và bản lĩnh quật cường của người Mông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt.

 © 2012 TCPT