Vấn đề giáo dục nhân cách ở Việt Nam hiện nay

Posted on Tháng Mười 31, 2011 bởi

17



Linh Sơn
TCPT số 50

Một trong những phương diện vô cùng quan trọng của giáo dục bên cạnh cung cấp, bồi dưỡng, nâng cao tri thức là giáo dục tâm hồn, nhân cách cho người học. Cần phải có triết lý nghiêm túc về giáo dục để cả xã hội hiểu rằng, giáo dục là quá trình trui rèn, đào tạo, uốn nắn con người chứ không đơn thuần là vấn đề thuộc về tri thức, phát triển nhân lực. Thế nhưng nhìn vào nền thực trạng hiện nay, giáo dục Việt Nam đang thiếu sót trầm trọng về cái gọi là giáo dục con người.

Cần nhân cách lẫn nhân lực

Một con người – với tư cách là sản phẩm của nền giáo dục bất kì phải đảm bảo được hai phương diện nhân cách và năng lực (tri thức). Song dường như, với cái tâm thế nôn nóng muốn đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đang sôi sục từng giờ ở Việt Nam để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên giàu có đã biến nền giáo dục trở nên thực dụng có vẻ như chỉ chú trọng “nhồi nhét” tri thức, tuyên truyền chính trị. Việc xem phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu để bồi dưỡng nhân tài, phát huy nhân lực là điều không thể thiếu. Nhưng không thể chỉ nghiêng về một thái cực, chỉ biết lợi ích trước mắt thì hậu quả thật khó lường.

Nhìn vào tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra đến mức báo động hiện nay, những sát thủ máu lạnh thế hệ 9X như sự kiện Lê Văn Luyện vừa qua, đang xuất hiện dày đặc trên các báo pháp luật đã buộc dư luận phải nghiêm túc nhìn lại đạo đức xã hội này. Và trách nhiệm trước hết phải thuộc về giáo dục nhà trường (bên cạnh nền tảng gia đình).

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng quá trình giáo dục nhân cách của học sinh chỉ gắn liền với các môn học như văn, sử, địa. Cách hiểu đó dễ dẫn đến một biểu hiện cực đoan là xen lồng vào chương trình các môn khoa học xã hội những bài học đạo đức xơ cứng, giáo điều kiểu như tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cha mẹ, bạn bè một cách gượng gạo. Thực chất những dạng tri thức đó trong bài học không phát huy bao nhiêu tác dụng giáo dục tâm hồn cho học sinh.

Ngoài ‘ý thức’ còn có ‘vô thức và tiềm thức’

Một trong những lỗ hổng đáng sợ nhất của giáo dục Việt Nam là quan niệm thiển cận, thiếu sót về nhân cách của một con người. Triết học Mác cho rằng nhận thức của con người đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, rồi từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Con người gồm hai phương diện vật chất và ý thức, trong đó vật chất quyết định ý thức. Và người Việt Nam đã áp dụng triệt để cơ sở lý thuyết này trong quá trình giáo dục con người. Hướng học sinh đến cuộc sống vô thần chủ nghĩa một cách cực đoan và chỉ giáo dục một cách máy móc bằng việc tác động vào ý thức với quá trình nhồi nhét các tư tưởng đủ loại.

Và môn học làm công cụ cho hệ tư tưởng này chủ yếu là giáo dục công dân, lịch sử và ngữ văn.

Một trong những yếu tố quan trọng của con người đúng như Mác chỉ ra là ý thức. Song đó là nhận thức luận sơ khai của thế kỉ XIX về con người. Sang thế kỉ XX, có thể nói ngành Phân tâm học của Freud và Jung đã có một phát kiến vĩ đại bổ sung, làm hoàn chỉnh cho lí thuyết của Mác khi phát hiện ra những phương diện khác của nhân cách con người, tâm hồn con người, bản chất con người bên cạnh ý thức: đó là vô thức và tiềm thức. Và giáo dục không phải chỉ tác động đến ý thức một cách trực diện mà còn thẩm thấu, khéo léo chuyển hóa những giá trị tốt vào con người bằng con đường vô thức, tiềm thức. Lý thuyết về hai khái niệm này vốn đã rất phổ thông, ở đây, chúng tôi không đi sâu vào các luận thuyết mà sẽ đi thẳng vào vấn đề bằng những biểu hiện thực tiễn của nó.

Lấy vài ví dụ minh họa. Đối với học sinh tiểu học, thay vì chúng ta chỉ giáo dục ý thức các em về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường bằng các bài học giáo điều thì ta còn có nhiều cách thức khác phối hợp tác động đến các em. Sự tác động đó có thể là tạo ra các ấn tượng ở dạng vô thức khi thiết kế các sách giáo khoa có bìa là hình ảnh của dòng sông hay cánh rừng tươi đẹp. Như vậy cả lớp 30 em học sinh ta có 30 dòng sông hay 30 cánh rừng. Những hình ảnh ấy sẽ tồn tại cùng các em, âm thầm đi vào tâm thức các em bằng con đường vô thức để góp phần tạo cảm giác yêu và thân thiện với thiên nhiên…Đây chỉ là một cách minh họa.

Nhưng nói như vậy để thấy rằng, nếu thừa nhận lí thuyết về vô thức của Freud và Jung, giáo dục sẽ không chỉ dừng lại cách giáo dục nhân cách học sinh chỉ đơn điệu bằng những bài học thiên về ghi nhớ. Có những sự tác động tinh tế, âm thầm nhưng hiệu quả rất đáng kể. Giáo dục Việt Nam chưa bao giờ làm được hay nghĩ đến điều đó bởi tuyệt đối hóa triết học Mác và kì thị Phân tâm học của Freud và Jung.

Nhìn lại giáo dục ngày xưa lại thấy giáo dục Việt Nam còn thua xa cha ông về phương diện này. Tuy ngày xưa nền giáo dục Khổng học không có lí thuyết về cái gọi là vô thức, tiềm thức, song điều đáng nói là cách dạy, cách học của các thế hệ sĩ tử lại nhất quán đi theo chiều hướng này. Một trong những biểu hiện của nó chính là cách học ôn đi ôn lại những lời nói của thánh nhân. Trong văn hóa Trung Quốc (và sau này Việt Nam chịu ảnh hưởng), những người Nho sinh, khi còn nhỏ thường mỗi ngày đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng bộ Tam tự kinh (quyển sách tổng hợp những lời hay ý đẹp của thánh nhân). Ở tuổi 5, 6, 7… đã đọc làu làu. Không hẳn là họ hiểu hết, nhưng vẫn cứ đọc, đọc để nhớ, để suy nghiệm mỗi ngày rồi dần hiểu ra hay nhờ người lớn giảng giải. Đây không phải là cách học vẹt theo lối hiểu hiện đại sau này, mà mục đích của nó là tập cho con người cái tác phong làm quen với những điều hay đẹp, tuy không hiểu, nhưng tâm trí hàng ngày nhắc đi nhắc lại để dần dần nó vô thức thẩm thấu vào tâm thức, chuyển hóa vào ý thức. Một con người suốt ngày chỉ ngâm ngợi những điều hay đẹp thì những giá trị đẹp của nó sẽ dần chuyển hóa theo hai con đường cả vô thức lẫn ý thức, thậm chí lắng sâu trở thành tiềm thức.

Nhìn lại công cụ tuyên truyền chính trị hiện nay của Việt Nam thông qua con đường báo chí truyền thông, thì việc lặp đi lặp lại các vấn đề tư tưởng là một vũ khí lợi hại để tác động đến quần chúng. Có thể họ không nghe hết, hiểu hết nhưng nó cứ thấm dần theo thời gian. Ấy vậy mà người ta lại không hề vận dụng nó trong giáo dục nhân cách con người.

Ngay cả các chiêu thức quảng cáo của giới truyền thông cũng nhất quan tác động đến công chúng theo con đường vô thức chứ không phải ý thức. Bằng việc lặp đi lặp lại thông tin một sản phẩm nào đó tới mức nhàm chán, phản cảm trên các kênh truyền hình, nhiều người nghĩ rằng đó là trò lố đáng ghét càng khiến cho mọi người ghét không mua sản phẩm. Nhưng họ đã lầm. Những hình ảnh những thông tin có vẻ vô nghĩa, gây bực tức lúc quảng cáo đột ngột, lố bịch xen vào một đoạn phim hay sẽ chẳng có nghĩa gì lúc đó. Nhưng khi nhu cầu lên tiếng, khi xách túi ra các shop, chúng là những gợi ý hàng đầu để người ta mua sản phẩm đã xuất hiện vô thức trong quảng cáo chứ không phải là sản phẩm vô danh khác.

Nói như vậy để thấy hiểu biết về cái gọi là vô thức rất hiệu quả trong việc tác động đến con người. Và giáo dục thời hiện đại phải nắm được điều này để có quá trình tác động đến học sinh toàn diện hơn.

Lời thánh hiền ngày xưa lặp đi lặp lại có ý nghĩa giáo hóa vô thức con người thì nên chăng xét lại những bài học về chiến tranh, về giết chóc máu me kiểu Chí Phèo, Rừng Xà Nu, kiểu những bài chém Mĩ, bắn Pháp sẽ vô tình làm méo mó nhân cách các em học sinh theo chiều hướng xấu cũng theo con đường vô thức. Dù bề mặt ngôn ngữ ngợi ca những hành động của Chí Phèo là giết người vì lẽ phải, người dân làng Xô Man chém Mĩ là vì yêu nước, Tấm chế nước sôi Cám là hợp nhẽ công bằng…thì trên thực tế với mức độ dày đặc chương trình văn sử toàn những chi tiết máu me như vậy sẽ ít nhiều gợi ý cho học sinh về bạo lực. Dù người thầy có lý giải đến mức nào cũng là trên phương diện lí trí, nhưng trong tâm thức các em đã được thấm vào những gợi ý “man rợ” đó thì một ngày nào đó nó sẽ chuyển hóa thành hành động nếu người học không có khả năng tự sàn lọc, điều chỉnh. Tôi vô cùng gớm ghiếc với cách dùng từ trong dạy văn hiện nay của Việt Nam. Làm sao có thể cho rằng Chí Phèo giết Bá Kiến là hành động của tên sát nhân lương thiện? Tấm chế nước sôi giết cám rồi làm mắm gửi cho mẹ Cám là thể hiện khát vọng công bằng, sự chiến đấu tới cùng trừng trị cái ác như các nhà biên soạn quan niệm…

Đứng ở góc nhìn tâm linh, tôn giáo thì giết người nào cũng là giết người, và pháp luật Việt Nam há chẳng phải cũng không chấp nhận điều đó? Vậy mà đem vào môi trường phổ thông lại đi ca ngợi hết lời. Thế hóa ra các em hiểu, sau này nếu bị chị em cùng cha khác mẹ ức hiếp quá đáng như Tấm thì sẽ có quyền hành động tàn nhẫn trả thù để “thực hiện công lí” chăng?

Tôi đã thấy xã hội ngày nay đã sinh ra quá nhiều Chí Phèo con cũng bởi cái lỗi của người lớn lố bịch ca ngợi thái quá. Lỗi không phải ở văn chương mà lỗi ở người dạy, người soạn sách không có cách kiến giải phân lập thật rõ để sàn lọc tính nhân văn đúng nghĩa của văn học mà chỉ hả hê cái giọng của kẻ chiến thắng thích trừng trị kẻ thù, cái ác… Đối với học trò dạy như thế là bất lương. Mặc cho ngôn từ bề ngoài là ca ngợi điều hay ho gì, nhưng ca ngợi đồng cảm với loại nhân vật như Chí Phèo là vô thức tiêm nhiễm cái ác vào tâm hồn học sinh…nhất là những em đã có sẵn xu thế bạo lực. Ôi! Nền giáo dục dạy văn, sử Việt Nam toàn những lời đầy hăng hái chém giết “chém, chém” của cụ Mết thì làm sao tâm hồn đang lúc hình thành và dễ bị biến dạng của học sinh trở nên hiền hòa, nhân hậu? Dạy giáo dục công dân mà chỉ biết đến tư tưởng vô thần chủ nghĩa mà lên giọng cao đạo coi thường đời sống tâm linh, tín ngưỡng, chê bai các tôn giáo thì học sinh sẽ trở thành những sát thủ máu lạnh kiểu Lê Văn Luyện ngày càng nhiều là điều dễ hiểu.

Nên mở rộng tư duy

Xã hội đầy những thành phần phức tạp. Có người không làm ác vì họ ý thức được lẽ phải, bản chất lương thiện, biết làm chủ mình lựa chọn điều đúng. Nhưng có người khác vì lời dạy giới luật của Chúa, Phật, có cuộc sống tâm linh, họ có nỗi khiếp hãi về quả báo và niềm tin vào phần thưởng đẹp của Thượng đế cho người tốt…họ không dám giết người. Đó là lí do từ thời sơ khai của nhân loại đến nay, thế giới không bao giờ thiếu đi tôn giáo. Phải có niềm tin để người ta sống tốt hơn. Vậy mà nền giáo dục này lại máy móc đi theo tư tưởng vô thần, dùng môn sử, giáo dục công dân làm công cụ nhồi nhét cho học sinh, đánh bạt đi hết ý niệm về đời sống tâm linh của con người. Vật chất quyết định ý thức. Chẳng có thượng đế! Chẳng có Phật hay thần nào! Kết quả là con người sa vào lối sống thức dụng, không biết sợ trời phật ma quỷ. Thế nên khi ra tay thủ ác kiểu Tấm hay Chí Phèo các em “xuống dao” rất ngọt!

Giáo dục Việt Nam coi thường tâm linh của con người. Thế nên mặc cho những bài học đạo lí cứ sống sượng được áp đảo đưa vào lí trí các em hàng ngày nhưng tâm thức các em vẫn chai sạn, tâm linh các em nghèo nàn thì làm sao có thể là con người hoàn hảo về nhân cách.

Ngay cả một nước hiện đại bậc nhất như Mỹ mà nước họ vẫn có các trường thần học, các ngành huyền học nghiên cứu, tôn trọng về tâm linh tôn giáo vậy mà giáo dục Việt Nam vẫn cứ oan oan tuyên truyền cực đoan tư duy vô thần. Đem nó là công cụ, một hung thần đánh gục hết đời sống tâm linh của con người.

Khi các học trò hỏi Khổng Tử về thế giới quỷ thần, ông đã khiêm nhường không nói và tỏ thái độ kính nhi viễn chi. Không phải ông không biết mà ông cho rằng không nên nói. Nhưng giáo dục nước ta ngày nay thì tự tin mình cái gì cũng biết và dùng triết học Mác để đi phê phán Phật là bi quan, nguyên lí ngũ hành thâm sâu của triết học Trung Hoa là nhảm nhí. Họ phê phán cả cách nói thâm thúy nhân chi sơ tính bổn thiện của Khổng Tử là sai lầm, vì theo Mác thì con nít chưa có ý thức thì lấy đâu ra thiện ác. Chao ôi! Một nền giáo dục cực đoan tư tưởng vô thần, chú trọng vật chất (vật chất quyết định ý thức) để rồi dạy cho học sinh báng bổ thánh nhân, kéo theo là phủ nhận hết các giá trị luân lí, tâm linh mà các thánh nhân đã dạy để sống cực đoan, thực dụng, vô hồn như ma như quỷ! Bao giờ người ta mới chịu hiểu cách ứng xử thông minh khiêm nhường của Khổng Tử, rằng có những thứ biết những không dạy mà để cho vạn vật diễn biến theo lẽ tự nhiên của nó!

Tóm lại, giáo dục Việt Nam nên biết rộng mở tư duy mà tiếp nhận nhiều luồng minh triết Đông Tây kim cổ thì may ra mới đủ sức giáo dục tâm hồn học sinh một cách toàn diện. Bằng ngược lại vẫn cứ cực đoan triết học Mác một cách máy móc bảo thủ, coi thường tâm linh con người thì chỉ tạo ra những thế hệ vô hồn, những cổ máy máu lạnh, giết người không run tay!

Đã đến lúc Việt Nam cần mang giáo dục nhân cách vấn đề tâm linh vào chương trình để giáo dục nhằm làm dịu lại bản tính hung hăng, ham làm cách mạng của thế hệ chống Mĩ ngày nào!

 L.S.
© 2011 TCPT số 50

TCPT50 – Marx – Những gì còn lại…
Download TCPT50 – Bản in (15MB)
Download TCPT50 – Bản thường (6.5MB)
Download TCPT50 – Bản mini (4MB)