Tầng lớp tiện dân (Dalit) trong chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ

Posted on Tháng Tư 14, 2012 bởi

0



Phương Ngọc, CTV Phía Trước
TCPT số 12

Được gán là ô uế ngay từ khi lọt lòng mẹ, một phần sáu dân số Ấn Độ phải chịu cảnh sống dưới đáy tầng của xã hội trong hệ thống đẳng cấp của đạo Hindu. Họ thuộc tầng lớp tiện dân (Dalit).

Tội lỗi của Maurya là vô số, những người tấn công anh nói. Anh ta có karma (nghiệp chướng) xấu. Cũng như tổ tiên của anh được sinh ra là Dalit, anh phải trả giá cho những tội lỗi của mình. Maurya là một người thợ lột da động vật và theo luật của Hindu tiếp xúc với da động vật làm cho anh bị ô uế, một người đáng bị tránh xa. Và sự khá giả của anh ta là một tội lỗi. Một kẻ tiện dân như anh thì nghĩ mình là ai mà dám mua một khu đất trong làng. Vậy mà anh ta còn đứng lên đòi hỏi quyền sử dụng giếng mới của làng. Và anh ta nhận những gì xứng đáng được nhận.

Một ngày Maurya đi vắng, tám người đàn ông thuộc đẳng cấp cao hơn đến trang trại của anh. Họ phá hủy trang trại, lấy cắp máy cầy, đánh đập vợ con và đốt nhà của Maurya. Thông điệp đưa ra rất rõ ràng: hãy chấp nhận cuộc sống tiện dân mà anh thuộc về. Maurya sợ hãi đến mức cùng gia đình trốn chạy khỏi làng và chỉ dám quay về sau hai năm. Maurya là một trong số 160 triệu người Ấn Độ thuộc tầng lớp Dalit, những người luôn bị khinh rẻ, ngược đãi ở các vùng nông thôn.

Được sinh ra là người Hindu ở Ấn Độ đồng nghĩa với việc chấp nhận sự phân chia đẳng cấp, một trong những chế độ phân chia giai cấp xã hội tồn tại lâu đời nhất. Xuất hiện trong văn hóa Ấn Độ trong 1500 năm, hệ thống đẳng cấp dựa trên một nguyên tắc đơn giản: con người sinh ra không bình đẳng. Theo quan niệm truyền thống của đạo Hindu tồn tại hàng nghìn năm nay, mọi người trong xã hội được phân chia giai cấp dựa vào nghề nghiệp của họ. Tầng lớp cao nhất được gọi là Brahmana. Họ là những người làm các công việc được tôn trọng như tu sĩ, thầy giáo. Kế đến là Ksatriya – những người lãnh đạo và chiến binh. Những người chuyên kinh doanh, buôn bán được gọi là Vaisya. Tiếp theo là Sudra – nông dân và lao động. Mỗi đẳng cấp còn chứa nhiều tầng lớp con với cấp bậc riêng của họ.

Nhóm thứ năm gọi là Dalit. Họ không thuộc nhóm nào được đề cập trong đạo Hindu. Dalit được cho là quá ô uế, bẩn thỉu để được coi là con người bình thường. Những thành kiến bảo thủ đã định hình cuộc sống của họ, đặc biệt là ở vùng nông thôn- nơi mà ba phần tư dân số Ấn Độ sinh sống. Những người Dalit bị kỳ thị, xúc phạm, cấm vào những đền chùa và nhà của những người thuộc đẳng cấp cao, phải ăn uống bằng các đồ dùng riêng rẽ. Những người không thuộc đẳng cấp Dalit rất ngại tiếp xúc và thường không bao giờ nhận nước uống từ những người này. Trong một số trường hợp cực đoan mặc dù hiếm họ còn có thể bị hãm hiếp, thiêu sống, hay bắn chết.

Những người Dalit thường làm các công việc được coi là không sạch sẽ, những công việc phải tiếp xúc với máu, chất thải và các bộ phận dơ bẩn khác theo luật của đạo Hindu. Công việc của họ như thiêu xác, quét dọn nhà vệ sinh, hót phân, thu dọn xác động vật, thuộc da, thông cống. Những công việc này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và được dành riêng cho tầng lớp Dalit. Thậm chí nhiều người làm các công việc “sạch sẽ”, hầu hết làm thuê với mức lương rẻ tiền, vẫn được coi là ô uế. Những người này bị mắc kẹt dưới đáy của một hệ thống mà không thể vận hành nếu thiếu sự phân biệt đối xử.

Quan niệm truyền thống đã lấn át luật pháp hiện đại. Trong khi hiến pháp Ấn Độ cấm sự phân chia đẳng cấp và đặc biệt cấm sự phân biệt đối xử với những người được coi là Dalit, đạo Hindu, tôn giáo của 80% dân số Ấn Độ vẫn chi phối đời sống hàng ngày với những quy định khắt khe. Hệ thống đẳng cấp của đạo Hindu có hẳn một cuốn sách hướng dẫn được soạn thảo cách đây 2000 năm. Nó chỉ dẫn cho người của từng đẳng cấp cần phải ăn gì, kết hôn như thế nào, làm thế nào để kiếm sống và làm thế nào để giữ sạch sẽ, những ai cần phải tránh. Theo quy ước, bố mẹ là Dalit sẽ sinh ra con là Dalit. Nhiều người gọi đây là án tù chung thân mà những người tiện dân phải nhận từ khi lọt lòng mẹ.

Họ đều trông giống như những người Ấn Độ khác. Họ có cùng màu da, tiếng nói. Họ đi trên cùng con đường, học cùng trường lớp với những người thuộc đẳng cấp khác. Trong làng những người phụ nữ quét sân và giặt giũ quần áo. Trẻ con chơi cricket và dán ảnh của những ngôi sao nhạc pop hay vận động viên thể thao. Những người đàn ông làm việc: khâu giầy, giệt thảm, xử lý phân bò để làm nhiên liệu và giống như những người đàn ông khác ở nông thôn họ cũng ném tiền vào rượu chè, cờ bạc. Nhưng bất chấp cuộc sống bình thường đó, những người thuộc đẳng cấp thấp nhất này thường có một vết xăm màu đỏ trên trán để phân biệt đẳng cấp của mình. Họ không thể che dấu thân phận của mình. Có rất nhiều cách để mọi người biết điều đó. Người Hindu thường không cảm thấy thoải mái trong quan hệ với một người mà họ không biết rõ địa vị xã hội. Trong vòng vài tháng mọi việc sẽ được phơi bày. Tên họ, địa chỉ làng quê, ngôn ngữ cơ thể và đặc biệt là nghề nghiệp sẽ chỉ rõ họ thuộc đẳng cấp thấp nhất của xã hội.

Một xã hội đang thay đổi

Nhiều người cho rằng, các kiểu phân biệt đối xử thô bạo nhất đã chấm dứt tồn tại nhờ các cuộc vận động cải cách xã hôi kể từ sau khi Ấn Độ giành độc lập từ Anh năm 1947. Ít nhất thì những người Dalit đã đạt được nhiều tiến bộ trong xã hội. Đã chấm dứt cái thời mà họ có thể bị đánh nếu họ không may chạm vào người thuộc đẳng cấp cao hơn, khi mà họ bắt buộc phải đeo chuông để báo hiệu sự có mặt của mình và không được phép ngồi cùng ghế cũng như học cùng trường với người thuộc đẳng cấp khác. Vào năm 1950, quốc hội Ấn Độ thông qua hệ thống hạn ngạch dành riêng một số ghế trong hệ thống lập pháp cho người thuộc tầng lớp này. Theo hạn ngạch này phần trăm số ghế giành riêng cho Dalit trong các cơ quan nhà nước đúng bằng tỉ lệ của họ trong dân số: 15%. Hệ thống hạn ngạch còn được áp dụng đối với việc tuyển sinh ở các trường đại học. Đảng cầm quyền ở Ấn Độ ủng hộ việc duy trì hệ thống này bất chấp nhiều sự phản đối. Vào năm 1981, một cuộc biểu tình nổ ra vì việc một sinh viên thuộc tầng lớp thượng lưu bị từ chối vào trường Y để nhường chỗ cho một người Da-lit. Đặc quyền về việc làm ở hệ thống công quyền Ấn Độ đã giúp nâng cao mức sống của nhiều người Dalit, giúp họ gia nhập tầng lớp trung lưu.

Về mặt lịch sử, hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ là tương đối đóng kín. Nghề nghiệp là một yếu tốt quan trọng quyết định địa vị trong xã hội. Con vua rồi lại làm vua và con nông dân thì suốt đời làm nông dân. Người Hindu rất ít khi kết hôn với người không thuộc đẳng cấp với mình. Nhiều nhà sử học cho rằng đây là một yếu tố làm phân chia xã hội. Mặc dù quan niệm lạc hậu này đã thay đổi rất nhiều trong xã hội hiện đại, hệ thống đẳng cấp vẫn tồn tại dai dẳng và đây là nguyên nhân làm cho Ấn Độ, mặc dù là đất nước giàu có về tài nguyên vẫn chưa trở thành một cường quốc hùng mạnh. Trong lịch sử của mình, Ấn Độ, mặc dù là đất nước lớn với một nền văn hóa lâu đời nhưng dễ dàng bị xâm lược bởi các thế lực nước ngoài. Sau khi người Anh xâm lược Ấn Độ, nhiều người Ấn sau khi tiếp xúc văn hóa phương Tây nhận thấy hệ thống này là lạc hậu và cần phải loại bỏ. Những thay đổi xã hội này chủ yếu xuất phát từ các hoạt động chính trị. Sau khi Ấn Độ giành độc lập, phần lớn quyền lực chính trị nằm trong tay các tầng lớp cao nhất trong xã hội: Brah-mana, Ksatriya và Vaisya, những người nắm giữ hầu hết của cải và tri thức của đất nước. Họ bắt đầu thi hành các biện pháp nhằm ưu tiên cho người Dalit có nhiều chỗ hơn trong chính quyền cũng như trường học.

Nhưng những thay đổi theo chiều hướng tiến bộ không hoàn toàn xuất phát từ những lý do trong sáng. Một phần những nhà lãnh đạo có học thức của Ấn độ nhận thấy sự bất công và mất nhân quyền của hệ thống đẳng cấp. Mặt khác, những lá phiếu đáng kể từ tay người Dalit làm cho đảng lãnh đạo phải quan tâm hơn đến họ. Mọi việc xuất phát từ các hoạt động của Ambedkar. Ông xuất thân từ tầng lớp dưới cùng này nhưng được giáo dục ở các trường đại học hàng đầu ở Mỹ và Anh. Khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, ông trở thành bộ trưởng tư pháp đầu tiên của nước này. Là một người lãnh đạo của tầng lớp Dalit, Ambedkar luôn đấu tranh cho quyền lợi của người Dalit. Kết quả là chính phủ Ấn Độ đã đồng ý thi hành các chính sách ưu tiên cho người Dalit. Lúc đầu các chính sách ưu tiên được thực hiện trong mười năm. Nhưng sau đó họ nhận thấy việc giữ chỗ trong chính quyền, trường học cho người Dalit có thể kéo dài hơn cho đến khi nào họ vẫn bỏ phiếu cho đảng cầm quyền. Mặc dù vậy lợi ích của việc này vần chưa tác động đến toàn bộ tầng lớp nghèo khổ nhất trong xã hội.

Cho đến tận những năm cuối của thập kỷ 80, khi tầng lớp Sudra, đa số là nông dân và là tầng lớp ngay trên Dalit, dần dần chiếm ưu thế trong chính trường và họ muốn giành nhiều ưu tiên hơn cho phe mình. Vào đầu thập niên 90, khi Ấn Độ mở cửa nền kinh tế, những người giỏi nhận thấy làm việc trong lĩnh vực tư nhân mang lại nhiều cơ hội và lợi nhuận hơn so với công việc của chính phủ. Và những người thuộc tầng lớp trên bắt đầu rời bỏ chính quyền và thay vào đó là người Sudra. Hiện nay nền chính trị Ấn Độ bị kiểm soát hoàn toàn bởi những đảng phái của người Sudra. Những người thuộc tầng lớp trên cảm thấy bị đứng ngoài lề và họ bắt đầu liên kết với người Dalit để chống lại ảnh hưởng của người Sudra. “Nó giống như việc Mỹ và Liên Xô liên kết trong chiến tranh thế giới thứ II vậy”, một nhà báo nhận xét.

Mọi việc đang thay đổi một cách tích cực. Vào năm 1997, Narayanan trở thành tổng thống đầu tiên xuất thân từ tầng lớp Dalit. Hoạt động của ông trên cương vị tổng thống vượt ra ngoài vai trò lễ nghi bình thường, tích cực phê phán hệ thống đẳng cấp. Trong một bài phát biểu nhân ngày quốc khánh, ông cho rằng sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ thuộc tầng lớp dưới là một tội ác và cần được loại bỏ, nếu không “nền dân chủ của chúng ta sẽ như một lâu đài được xây trên đống phân bò”. Nhưng không có bài hùng biện nào có thể loại bỏ cái ách đang đeo trên cổ những người tiện dân, nạn nhân của một tôn giáo phán xét họ như một thứ dân (subhuman) và của một xã hội nông nghiệp bóc lột họ như những nô lệ. Tuy nhiên, điều đó thể hiện những cố gắng ban đầu đảm bảo công bằng và cải thiện vấn đề nhân quyền vốn một điểm yếu của thể chế dân chủ Ấn Độ.

Nhiều người tự hỏi tại sao một chế độ bất công như vậy vẫn tồn tại trong môt xã hội hiện đại và là một cường quốc về công nghệ thông tin như Ấn Độ. Mặc dù các thành phố lớn của Ấn Độ đang thu hút một lực lượng lớn lao động trình độ cao và đang tạo ra những sản phẩm công nghệ cao giúp nền kinh tế phát triển mạnh, ba phần tư dân số vẫn sống ở nông thôn. Và đạo Hindu với lịch sử hàng nghìn năm đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Ấn Độ làm cho việc thay đổi trở nên khó khăn và phức tạp. Ấn Độ với một lịch sử nhiều chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc và với một hệ thống chính trị theo mô hình dân chủ hiện nay, những cố gắng của các nhà lãnh đạo cấp tiến trở nên hạn chế.

Kinh tế cũng là một nguyên nhân làm cho tình trạng này tồn tại gần như không đổi trong suốt 1500 năm. Một số công việc nặng nhọc, bẩn thỉu là kế sinh nhai duy nhất của những người tiện dân. Một số lĩnh vực kinh thế không thể hoạt động được nếu thiếu người làm các công việc này.

Trong khi mọi việc đang thay đổi thì một điều chắc chắn rằng nó sẽ đi kèm với bạo lực. Sự thay đổi đang diễn ra chậm chạp, từ làng này qua làng khác và những người đi tiên phong sẽ chịu nhiều thử thách nhất. Như trường hợp của Bairwa, một nông dân ở Rajasthan, anh đã quyết định tắm ở chiếc ao của làng, một nơi không được phép cho người Dalit. Những người thuộc đẳng cấp trên đã bao vây nhà anh, đe dọa sẽ giết anh. Bairwa đứng lên tố cáo với cảnh sát và các tổ chức nhân quyền. Bây giờ thì anh không bao giờ dám đi một mình vì sợ trả thù. “Tôi không hút thuốc, uống rượu hay làm việc gì xấu cả. Tôi làm việc chăm chỉ.Tại sao tôi phải là một Dalit ?”.

_________

Tham khảo:

National Geographic, số tháng 6-2003, Wikipedia

http://vietnamnet.vn/tuanvietnam/2007/07/713077/

http://www.langviet.net/forums/index.php?showtopic=36008

http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=126

S

Download TCPT số 12

Posted in: Kinh tế