Quyền Dân Sự và Chính Trị là Phương Tiện Chống Tham Nhũng Có Hệ Thống- TCPT số 31

Posted on Tháng Hai 19, 2010 bởi

1



Quyền chính trị và dân sự là công cụ thiết yếu để giải quyết tham nhũng, nhất là khi nhiều người tin rằng sự thay đổi phải đến từ bên trong. Như đã chứng minh trong phần 3, tham nhũng là vi phạm nhân quyền. Nhưng chính việc chống tham nhũng cũng có nguy cơ gây tổn hại đến các quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người cũng cần được chú ý trong chính các tranh tụng liên quan đến tham nhũng. Tiếp theo số 30, Tạp Chí Thanh Niên Phía Trước gởi đến quý độc gỉả phần cuối của loạt bài Tham Nhũng Là Vi Phạm Nhân Quyền. Tác giả hi vọng kết nối giữa tham nhũng và nhân quyền sẽ mở ra những hướng hành động mới để chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền, để bảo vệ lợi ích của những người thiệt thòi nhất trong xã hội., bởi tham nhũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, đến những quyền lợi kinh tế, xã hội, văn hóa và các quyền chính trị, dân sự mà công dân đáng lẽ được hưởng.

Tiến Trình “Dân Chủ Hóa Sâu Sắc” để Chống Tham Nhũng có Hệ Thống

Tại sao quyền tham gia chính trị lại quan trọng cho việc chống tham nhũng? Nếu luật pháp quốc gia hoặc quốc tế đã hình sự hóa các hành vi tham nhũng, tại sao chúng ta cần bận tâm liên kết chúng vào quyền con người? Vấn đề đơn giản là chính việc thi hành và áp dụng luật pháp quốc tế có vấn đề. Để áp dụng luật pháp quốc tế về quyền con người, thái độ của chính quyền phải thay đổi, ngành tư pháp phải sẵn sàng dựa vào luật pháp quốc tế về nhân quyền, ý kiến của công chúng phải được lắng nghe, và các tổ chức xã hội dân sự phải được hoạt động. Bản báo cáo của Uỷ ban Quốc tế về Chính sách Nhân quyền, dù nói đến việc kiện tụng như một phương tiện chống tham nhũng, cũng đã cân nhắc rằng “Kiện tụng nên được coi là một trong những yếu tố của một chiến lược rộng hơn được thiết kế nhằm khuyến khích trách nhiệm xã hội và sự tham gia của công chúng. Nếu không có các quyền dân sự và chính trị, chẳng hạn như bảo đảm quyền tự do lập hội, quyền tiếp cận thông tin và tiếp cận hệ thống tư pháp, sẽ rất khó để chống tham nhũng.”

Dựa vào các quyền con người để kiểm soát tham nhũng đã là một phương pháp thành công tại Hồng Kông và Ấn Độ, nhưng tại những nước đó các cơ quan công quyền (public institutions) đã được củng cố và thực sự đóng vai trò đối trọng quyền lực. Tham nhũng tồn tại ở cả các nước đang phát triển và đã phát triển, nhưng mô hình của tham nhũng khác nhau. Ở những nước nơi các cơ quan công quyền, đặc biệt là tòa án, đã có thể kiểm soát và đối trọng các ngành khác, sẽ có ít cơ hội cho tham nhũng. Các nước này đã đạt mức minh bạch, trách nhiệm và tự do tương đối cao, và do đó có sự tôn trọng các quyền con người. Tuy vậy, “nếu tham nhũng đã phổ biến, nó đồng nghĩa với việc sẽ khó khăn hơn để thúc đẩy quyền con người.” Vì vậy, “mặc dù các dự án cải cách thường được dễ dàng thông qua ở cấp độ Nhà nước, để thực sự có sự thay đổi trong đời sống thực tế và duy trì sự thay đổi đó theo thời gian, chúng cần được hỗ trợ và yêu cầu bởi công chúng, bởi chính điều này khuyến khích tinh thần trách nhiệm và tính minh bạch trong việc thực hiện dự án cải cách.”

Nói chung, phương pháp tiếp cận có thể được sử dụng trong chống tham nhũng là “từ dưới lên, theo yêu cầu.” Các phương cách chống tham nhũng đòi hỏi một tầng lớp chính trị gia thực sự quyết tâm chăm lo đến người dân, hơn là chỉ lo cho quyền lực cá nhân và sự giàu có của họ. Sự quyết tâm này của tầng lớp chính trị có thể là kết quả của việc thực sự tin tưởng vào một tập hợp các giá trị (như trường hợp Nelson Mandela của Nam Phi), hoặc, như thường xảy ra hơn, được thúc đẩy bởi yêu cầu của công chúng về trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan công quyền.

Để những yêu cầu “từ dưới lên” thực sự xảy ra và có hiệu quả, những người dân có liên quan cần thấy: tham nhũng gây hậu quả trước mắt cho các nhóm lợi ích xã hội mà họ là thành viên; các quyền tự do dân sự cơ bản được công nhận và bảo đảm, hoặc ít nhất là việc thi hành các quyền tự do cơ bản này được hỗ trợ bởi cộng đồng quốc tế.

Trong cách tiếp cận “từ đáy lên,” mục tiêu “quản trị quốc gia tốt” tự nó không phải là động lực của phong trào; sự dấn thân của các nhóm khác nhau được thúc đẩy bởi lợi ích riêng của họ. Liên kết tham nhũng đến quyền con người, đặc biệt là đối với các quyền xã hội và kinh tế rất cụ thể sẽ cung cấp cho người dân động lực mạnh mẽ hơn để đấu tranh chống tham nhũng.

Sự thay đổi có diễn ra hay không tùy thuộc vào sự tham gia của các công dân của chính xã hội đó. Nếu chính phủ nghiêm túc trong đấu tranh chống tham nhũng, việc công dân thực hiện quyền chính trị và các quyền công dân để tố cáo, ngăn chặn tham nhũng phải được các quốc gia xem là chính đáng, bởi chính các hoạt động tham gia tích cực của công chúng sẽ đóng góp vào việc “tăng cường, cải thiện và củng cố các chính sách chống tham nhũng.” Trong trường hợp các quốc gia cản trở những nỗ lực chính đáng đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thông qua các phương tiện ngoại giao hoặc kinh tế là rất quan trọng, bởi vì sự thất bại của nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng chính là một sự vi phạm quyền con người.

Quá trình tham gia chính trị và các tổ chức chính trị có mối quan hệ tương hỗ với quá trình “dân chủ hóa sâu sắc.” Xã hội dân sự lành mạnh, minh bạch, trách nhiệm, v.v., là kết quả của quá trình này. Micheal Johnston đã hoàn toàn có lý khi đưa ra những nhận định sau: “Những rủi ro chính trị khi đối mặt với tham nhũng và các vấn đề hành động tập thể (collective-action problems) trong việc huy động người dân chống tham nhũng thường được gọi tên một cách ngắn ngọn là vấn đề ‘quyết tâm chính trị.’ Hầu hết các nhóm đồng thuận cải cách đều khuyến nghị rằng các xã hội đang phát triển cần học tập các bộ luật và mô hình cơ quan, tổ chức của các xã hội tiên tiến; các biện pháp đối phó với tham nhũng nói chung được coi như mục tiêu cuối cùng. Trong khi đó, việc làm thế nào để thông qua các biện pháp đó và làm sao để chúng có được sự ủng hộ của công chúng lại ít được chú ý đến. Kiểm soát tài chính và quản trị mạnh mẽ hơn, minh bạch và có trách nhiệm hơn, giám sát bởi một nền tư pháp độc lập và các phương tiện thông tin tự do, cạnh tranh mãnh liệt hơn trong chính trị và thị trường, và một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn – một số khuyến nghị thường gặp– thực sự có giúp kiểm soát tham nhũng tại nhiều xã hội. Nhưng chúng không phải tự nhiên mà có. Trên thực tế, thông thường chúng là kết quả của dân chủ hóa và ganh đua chính trị, và đã được nghĩ ra bởi các nhóm tìm cách bảo vệ mình chứ không phải để lên kế hoạch ‘quản trị tốt’ cho xã hội. Để được hữu hiệu, các biện pháp vừa nêu cần sự hỗ trợ liên tục từ các nhóm lợi ích đáng kể trong xã hội, cũng như cần tính chính danh chiếu theo các giá trị xã hội cơ bản. Trong trường hợp chống tham nhũng là lực lượng mới, sự hỗ trợ từ xã hội có thể còn yếu, họ có thể cần thời gian để tập hợp sức mạnh. Cải cách, kể cả khi nghe có vẻ lành mạnh, có thể gây hại nhiều hơn có lợi nếu chúng thiếu tài chính thích đáng và sự ủng hộ từ xã hội.”

Do đó, cải cách thể chế để đối phó với nạn tham nhũng cần sự hỗ trợ vững chắc của xã hội và chính trị để đạt hiệu quả. Một mặt, sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội là kết quả của một quá trình tiến triển tự nhiên, miễn là các lực lượng xã hội có đủ điều kiện hoạt động, tức các quyền chính trị và dân sự được đảm bảo, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của riêng họ.

Mặt khác, vai trò của sự hỗ trợ chính trị không thể bị đánh giá thấp. Các cơ quan nhà nước vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền dân sự và chống tham nhũng. Cho rằng sự can thiệp của Nhà nước chỉ tạo ra cơ hội cho tham nhũng, và thị trường phải được tự do hóa bất kể mức độ phát triển của xã hội dân sự trong một quốc gia cụ thể, có thể làm tình hình tham nhũng xấu đi và bất bình đẳng xã hội tồi tệ hơn, đặc biệt là tại các nền dân chủ mới. Sự tham gia chính trị nên được xem như là một cách để làm cho các tổ chức nhà nước minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn, qua việc “kiểm soát quyền lực nhà nước và sự lạm dụng của nó, mà tham nhũng là một phần.” Mặc dù sự tham gia của công chúng chắc chắn đóng góp vào sự quản trị quốc gia tốt hơn, xã hội dân sự không và không thể thay thế cho Nhà nước. Nhà nước có vai trò của nó trong sự vận động bình thường của xã hội. Quá trình bầu cử và cạnh tranh chính trị lành mạnh, cùng với sự tham gia tích cực của công dân góp phần vào việc củng cố các cơ quan công quyền lành mạnh, vì đó là những cơ chế tạo cơ hội cho những người thật sự tài năng, tận tình và trung thực được bầu vào các vị trí chính trị quan trọng.

Các quyền tự do dân sự cơ bản phải được bảo đảm là: tiếp cận thông tin, bình đẳng trước pháp luật, tư pháp độc lập và hiệu quả, trách nhiệm của lực lượng an ninh và cảnh sát, việc tiến hành bầu cử hiệu quả, một xã hội dân sự lành mạnh, các văn phòng thanh tra giám sát hoạt động có hiệu quả và phối hợp, quyền tự do ngôn luận.

Ba quyền tự do cơ bản cần phải được đẩy mạnh: các xã hội dân sự với quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp để những người chịu đau khổ có cơ hội lên tiếng; quyền tiếp cận thông tin để vai trò giám sát (của công dân) được hiệu quả hơn; bầu cử tự do và công bằng, cũng như thi hành bầu cử nghiêm túc để có cạnh tranh trong chính trị.

Tiếp cận thông tin là một điều kiện “tiên quyết” để giám sát trách nhiệm của các quan chức. Ví dụ, Luật về Phục vụ Dân sự của Ba Lan (Civil Service Act 1998) thiết lập các tiêu chí rõ ràng và cơ chế cạnh tranh trong tuyển dụng vào các cơ quan hành chính, giúp giải quyết được vấn đề “ô dù” vốn phổ biến dưới chế độ cũ, bằng cách đặt các quy trình tuyển dụng dưới sự giám sát của công chúng và bảo vệ các công chức khỏi áp lực từ các sếp lớn nhằm phục vụ lợi ích cá nhân cho họ.  Truy cập thông tin là một chất xúc tác cho sự tham gia có ý nghĩa của công chúng trong việc kiểm soát tham nhũng.

Bảo Vệ Nhân Quyền khi Chống Tham Nhũng

Có những nguy cơ vi phạm nhân quyền khi tiến hành chống tham nhũng. Đối với Roberto Saba, biện pháp và chính sách chống tham nhũng bản thân chúng có ảnh hưởng đến nhân quyền: “Tham nhũng là một tội phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai yếu tố cấu thành. Thứ nhất, nó đòi hỏi sự đồng thuận của các bên liên quan (chính phủ và tư nhân ). Đây là loại tội phạm người ta có thể gọi là “thiếu nạn nhân,” bởi không hề có nạn nhân một cách rõ ràng và hiển nhiên, trừ khi chúng ta coi công dân, người đóng thuế nói chung hoặc nền pháp quyền là nạn nhân. Thứ hai, loại tội phạm này đòi hỏi rằng hành vi tham nhũng xảy ra một cách bí mật. Hầu hết các mối đe dọa đến nhân quyền (của đối tượng tình nghi tham nhũng) trong cuộc chiến chống tham nhũng có lẽ sẽ liên quan phần nhiều đến quyền riêng tư, bởi cần những cách để xâm nhập vào tình huống bí mật để có thể tìm hiểu những gì đã xảy ra.

Như vậy, theo Saba, có ít nhất bốn quyền có thể bị ảnh hưởng trong cuộc chiến chống tham nhũng: tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do khỏi sự can thiệp từ Nhà nước trong cuộc sống riêng tư, và sự bảo vệ bởi pháp luật. Nguy cơ này thậm chí còn nghiêm trọng hơn tại các nước độc tài hoặc các nền dân chủ mới, nơi biện pháp chống tham nhũng có thể bị sử dụng nhằm vào lãnh đạo hoặc chính trị gia của phe đối lập.

Kết luận

Đề cập đến quyền con người trong việc giải quyết tham nhũng là một bước tiến mới của sự phát triển của luật pháp quốc tế về quyền con người, nơi các cá nhân được chú ý đến nhiều hơn. Một mặt, việc liên kết hai khái niệm mở ra một hướng đi mới để đưa các khái niệm trừu tượng của quyền con người trở nên có ý nghĩa hơn đối với những người dân bình thường và dễ bị tổn thương nhất. Mặt khác, nó khẳng định tính chính danh cho sự giám sát chặt chẽ của xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế. Những bất công và đau khổ do tham nhũng gây ra cần phải được lắng nghe, và xứng đáng được bảo vệ, bởi vì đó chính là sự vi phạm các quyền con người mà các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, và phải thực hiện.

Toàn bộ loạt bài này đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về mối liên hệ giữa nhân quyền và tham nhũng. Tuy nhiên, để có ích, các phân tích cho từng quốc gia nên đi vào xem xét bối cảnh cụ thể của nó để thiết kế chiến lược chống tham nhũng một cách thích hợp. Một bài viết về tham nhũng và quyền con người không nên chỉ được xem như hoàn toàn mang tính hàn lâm, mà nên được sắp xếp và viết theo cách mà nó sẽ hữu ích cho những người cần phải đọc nó. Với mục đích đó, có một số yếu tố nên được xem xét: bản chất của tham nhũng ở nước đó; mức độ quyết tâm của một chính quyền; mức độ quyết tâm của xã hội dân sự; và văn hóa chính trị của đất nước này (để chọn thuật ngữ và phương pháp tiếp cận phù hợp và dễ tiếp thu cho người dân địa phương). Còn nhiều việc để làm, nhưng sự hiểu biết về các quyền người ta được hưởng sẽ tiếp thêm sức mạnh, mang lại hy vọng, và mở ra những hướng hành động mới.

Hoàng Lan

Tham khảo:

MICHAEL JOHNSTON, SYNDROMES OF CORRUPTION: WEALTH, POWER, AND DEMOCRACY (Cambridge University Press 2005).

C. Raj Kumar, Corruption and Human Rights: Promoting Transparency in Governance and the Fundamental Right to Corruption-Free Service in India, 17 Colum. J. Asian L. 31 (2003).

C. Raj Kumar, Human Rights Approaches of Corruption Control Mechanisms – Enhancing the Hong Kong Experience of Corruption Prevention Strategies, 5 San Diego Int’l L.J. 323 (2004).

International Council on Human Rights Policy, Corruption and Human Rights, Making the Connection (2009), available at http://www.ichrp.org/en/projects/131.

United Nations Conference on Anti-Corruption Measures, Good Governance and Human Rights, Warsaw (Nov. 8-9, 2006):

OHCHR and the Gov. of Pol., Background note: United Nations Conference on Anti-Corruption Measures, Good Governance and Human Rights, Warsaw, HR/POL/GG/SEM/2006/2 (Nov. 8-9, 2006).

Maina Kiai, Expert paper 2: How Human Rights Principles & Approaches Can Help in Fighting Corruption, Conference on Anti-Corruption Measures, HR/POL/GG/SEM/2006/BP.2 (2006).

Roberto Saba, Expert paper 3: Corruption and Civil Rights: Warning and Lessons From Human Rights Activism and Transitional Justice Experiences, Conference on Anti-Corruption Measures, HR/POL/GG/SEM/2006/BP.3 (2006).