ASEAN và những con voi

Posted on Tháng Tư 23, 2012 bởi

0



MrTOO chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Lê Đình Tĩnh & Cleo Paskal, The Diplomat

Có một cụ già Đông Nam Á nói với tôi: “Chúng ta như những ngọn cỏ dưới chân hai con voi, sẽ bị giẫm nát không kể là chúng đánh nhau hay là làm tình.” Ngày nay, câu nói đó đang được nhắc đến rất nhiều khi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang công khai đối đầu tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tháng Một vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ra tuyên bố mới về sự chuyển hướng tập trung sang khu vực này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng: “Nói một cách thẳng thắn thực dụng, chúng ta đang đối đầu với Trung Quốc.” Theo bà, hiện nay trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương thì Trung Quốc đang  “đến từ phía sau lưng và từ bên dưới chúng ta”.

Về mặt quân sự, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ tăng cường quân đội tham chiến xung quanh khu vực này, bao gồm luân phiên các đơn vị thủy quân lục chiến tại Darwin, Úc và hợp tác chặt chẽ hơn với Úc về không quân. Điều đó cho phép Hoa Kỳ có cách tiếp cận tốt hơn trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Một số người theo chủ nghĩa hiện thực thì cho rằng một Trung Quốc đang lên muốn có thêm những quyền lớn hơn trong khu vực, do vậy Trung Quốc tỏ ra không hài lòng về những động thái của Hoa Kỳ, và coi đó là những điều hạn chế các toan tính của nước này. Đó không phải là những phân tích mới về tình hình khu vực nhưng mọi chuyện bây giờ đã khác.

Đầu tiên, Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay không chỉ đơn thuần cạnh tranh về quyền lực. Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng phải quan tâm đến các lĩnh vực mang tính toàn cầu, do đó đòi hỏi sự phản ứng từ những cường quốc lớn. Do vậy, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải chứng minh rằng họ sẽ trở thành những đối tác theo phương cách mang lại lợi ích cho toàn khu vực.

Bằng việc tận dụng sự ham muốn của Hoa Kỳ và Trung Quốc muốn có ảnh hưởng trong khu vực, những nước Đông Nam Á có thể trở thành những nước đi đầu trong các vấn đề phi truyền thống về bảo tồn như: quản lý nguồn lực biển và chống lại biến đổi khí hậu – những vấn đề mà chỉ có thể được giải quyết bằng những hành động chung của các nước. Đây không phải là lĩnh vực an ninh khó khăn truyền thống của những người theo chủ nghĩa thực tế hiện đại.

Những dự án về môi trường đã mang đến sự ràng buộc ở phía Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Trong năm 2010, Hoa Kỳ triển khai chương trình “Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông”, một chương trình hợp tác được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ nhẳm mục đích quản lý hiệu quả và hợp lý nguồn lực sông Mê Kông. Do vậy, Trung Quốc ở thượng nguồn cũng phải làm một điều gì đó đáp lại để chứng tỏ trách nhiệm của họ đối với các nước liên quan.

Trong các động thái đầu tiên, Trung Quốc đã tỏ ra cởi mở hơn trong Hội nghị Sông Mê Kông, một tổ chức liên chính phủ của các nước mà sông Mê Kông chảy qua, bao gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc hiện tại chưa là thành viên, nhưng họ vẫn chia sẻ những thông tin về các hoạt động của đập thủy điện mà nước này xây ở thượng nguồn vào mùa mưa với các nước có liên quan.

Thứ hai, nếu cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều quá độc đoán trong vấn đề này, họ sẽ đối mặt với việc các nước nhỏ trong khu vực đi tìm các đối tác khác, ví dụ như Ấn Độ, một cường quốc đang lên với chính sách “Hướng Đông” của nước này.

Cuối cùng, các nước Đông Nam Á khi làm việc với nhau có thể đạt được những điều mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không làm được với túi tiền vô hạn của họ. Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức bao gồm Brunei, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Burma, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ là một tổ chức có khả năng giải quyết các vấn đề khu vực và hợp tác phát triển trong hòa bình.

Những mạng lưới lan rộng được hình thành qua các Hội nghị Thượng đỉnh khu vực Đông Nam Á (ARF) đã trở thành diễn đàn đối thoại đối với các vấn đề an ninh hàng đầu và các chính sách đối ngoại trong khu vực. Bằng chính sách ngoại giao đề phòng và ngăn ngừa, ARF có thể cung cấp những văn phòng tin cậy, những hòa giải, khai báo và dự đoán sớm về những điểm nóng cho các nước thành viên cũng như cho Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Các sự kiện như vụ tàu hải quân Nam Hàn bị đánh chìm, thảm họa Cheonan năm 2010, tập trận trung tại biển Hoàng Hải giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ hay những động thái mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông đều được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Thời thế đã thay đổi tại Đông Nam Á. Các nước nhỏ trong khu vực đã cố gắng để có được cái nhìn đầy đủ và phức tạp về tình hình địa chính trị trong khu vực. Họ trao đổi và cùng nhau làm việc ngày càng nhiều hơn. Và trong một số vùng, họ đã hình thành được các lợi ích chung.

Những con voi sẽ không còn có thể thể vô tình chạy hay giẫm dụa qua nữa. Vì nơi đây đã không còn là một bãi cỏ mà từ nay nên được nhìn nhận là rừng già. Để lèo lái thành công được nó thì buộc phải có sự kết hợp của các mối quan tâm về khu vực, cũng như sự hiểu biết, tôn trọng và đối tác thực sự. Thời kỳ đối đầu sức mạnh trực tiếp đã không còn. Đây là lúc mà các mối quan hệ đồng minh bình đẳng cùng có lợi, không bị ép buộc. Con voi nào hiểu được điều này trước tiên và thấu đáo nhất sẽ giành được thế thắng. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á còn có nhiều lựa chọn cho mình hơn là nhiều người tưởng tượng.

_______

Lê Đình Tĩnh là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. Cleo Paskal là một tu nghiệp viên tại  Chatham House. Bài viết này ban đầu được công bố trong ấn bản mới nhất Tạp chí Thế giới thuộc Chatham House.

© 2012 Bản tiếng Việt TCPT

Posted in: Chính trị